Tăng cường liên kết là tư duy mới, hướng đột phá căn bản trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La (*)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

(Lược trích bài phát biểu khai mạc Hội thảo của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

Hôm nay, tôi rất vui mừng được trở về thăm lại tỉnh Sơn La, mảnh đất miền Tây Bắc giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng, để tham dự Hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn phát triển địa phương.

Đây là hội thảo rất có ý nghĩa được tổ chức kịp thời ngay sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; và Sơn La chính là thực tiễn sinh động đối với việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong tình hình mới.

Tỉnh Sơn La hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu và các điều kiện sinh thái khác để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành, thâm canh sâu với rất nhiều loại nông sản mang lại hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của Sơn La; đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp.

Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh. Nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng công nghệ mới, giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển các loại cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn ở những vùng có điều kiện; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu; cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản; thực hiện chuyên môn hóa mạnh mẽ; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt, những mô hình như: "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" thật sự là cách làm đột phá đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống.

Với sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực to lớn, không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới, chỉ trong một thời gian không dài, nền nông nghiệp Sơn La đã phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giảm nghèo nhanh, đời sống thực tế của người dân được nâng cao rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo của cả nước: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 13 triệu đồng/năm, nhưng đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La đã đạt trên 45,2 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, tuy vẫn còn cao so với mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, trong năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, mặc dù GRDP của tỉnh chỉ tăng 2,2%, tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm khoảng 24% GRDP của tỉnh) lại là điểm sáng nổi bật, đạt mức 7,19%. Trên đà này, 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,3%, là mức cao của các tỉnh vùng Tây Bắc.

Những thành tựu nổi bật đó đã khẳng định: ưu tiên phát triển nông nghiệp là lựa chọn đúng đắn, hướng đi chiến lược, mang tính đặc thù của Sơn La trong lộ trình phấn đấu trở thành điểm sáng tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Với chủ đề về “phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản”, Hội thảo hôm nay đề cập đến một vấn đề then chốt nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển to lớn của nền nông nghiệp tỉnh Sơn La. Tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hướng đi mới, rất nổi bật trong phát triển nông nghiệp của  tỉnh:  

(1)- Tỉnh đã hình thành được một số sản phẩm có thương hiệu ở trong và ngoài nước. Tôi được biết, riêng mặt hàng trái cây đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,…Đặc biệt, Sơn La đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc đối với các sản phẩm như: cà phê nhân, sắn, chè búp tươi, mận và nhãn. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Sơn La đã giới thiệu và cung ứng 17 nông sản, xuất khẩu tới thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số sản phẩm của Sơn La (như xoài) đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước, được tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Có thể nói, phát triển các sản phẩm đặc trưng là hướng đi rất phù hợp để khai thác tiềm năng và thế mạnh của nền nông nghiệp Sơn La.

(2)- Tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết nông nghiệp mới và sáng tạo, có thể nhân rộng và được nhiều địa phương trong cả nước nghiên cứu, học tập. Từ các mô hình sản xuất nông nghiệp của các nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh đã hình thành các liên doanh, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất đang hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, với sự đầu tư của một số doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Sơn La được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn…Theo đó, tăng cường liên kết chính là điều kiện để ngành công nghiệp chế biến của Sơn La phát huy vai trò “trụ đỡ” trong phát triển nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn thay vì bán sản phẩm thô, tạo việc làm cho nông dân, giúp bà con làm giàu trên chính quê hương mình.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thành tựu bước đầu. Ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế, nhiều điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở sự phát triển. Số lượng và chất lượng các chuỗi liên kết của Sơn La còn hạn chế; quy mô liên kết chưa lớn; mô hình liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị nông sản còn sơ khai; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường...

Cần khẳng định, tăng cường liên kết là tư duy mới, hướng đột phá căn bản trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là giải pháp hàng đầu giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, khó khăn trong tiếp cận vốn và khoa học công nghệ. Đây còn là yêu cầu quan trọng để khắc phục các gián đoạn, đứt gãy của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản trên thị trường do tác động của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua.

Theo đó, cần nhận thức sâu sắc yêu cầu về thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, phân phối các sản phẩm nông nghiệp của Sơn La một cách đồng bộ và toàn diện trên các góc độ sau đây:

(1)- Liên kết giữa các chủ thể chính quyền - doanh nghiệp - nhà khoa học - hợp tác xã - các hộ nông dân; giữa nông dân – hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến; giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp – ngân hàng; giữa các nhà máy chế biến; giữa doanh nghiệp chế biến với tập đoàn phân phối, xuất khẩu, ...

(2)- Liên kết giữa các vùng, miền, như các vùng cung cấp nguyên liệu với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản; liên kết các thị trường, bao gồm giữa các thị trường trong nước và giữa thị trường trong nước với thị trường nước ngoài…

(3)- Liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, như: liên kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến nông sản; giữa nông nghiệp với các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội cho người dân…

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hoá chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.” Để nông nghiệp Sơn La có thể tạo nên “kỳ tích phát triển” mới, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, với những đột phá quan trọng nhằm phát triển chuỗi liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tại Hội thảo này, tôi xin gợi mở một số vấn đề để các đồng chí trao đổi, thảo luận:

(1)- Cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả các định hướng về phát triển nông nghiệp mà Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương đã đề ra, nhất là về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phát triển kinh tế tập thể,…Trên cơ sở đó, đổi mới toàn diện và quyết liệt hơn nữa tư duy và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể là: chuyển từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang phát triển một nền nông nghiệp thông minh, xanh có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng vai trò của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ xanh trong việc nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Đặc biệt, cần đoạn tuyệt với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp khép kín với mục tiêu chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của địa phương để hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hoạt động theo nguyên tắc kinh tế thị trường và đủ sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế. Sơn La cần kết hợp cả mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình với mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và trang trại.

(2)- Thúc đẩy liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân nhằm tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn mà từng người nông dân khó có thể làm được.

Nhà khoa học phân tích thị trường, tư vấn lựa chọn sản phẩm, nghiên cứu và sáng tạo ra những công nghệ và kỹ thuật mới. Nhà nước hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu – triển khai, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi và cung cấp những cơ chế hỗ trợ và phòng ngừa rủi ro, như: tiếp cận tín dụng dựa trên phương án sản xuất kinh doanh thay vì thế chấp, thực hiện bảo hiểm và bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội cho người nông dân. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở chế biến.

Đặc biệt, muốn tạo bứt phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp dứt khoát phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể quan trọng trong sản xuất hàng hoá lớn và giải quyết hiệu quả vấn đề thị trường đầu vào, đầu ra. Nền nông nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư chiến lược đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường, thâm nhập được vào các thị trường nước ngoài “khó tính”, yêu cầu cao như EU, Nhật Bản, Mỹ. Sơn La cần tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp có uy tín đầu tư các nhà máy chế biến gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho bảo quản tại tỉnh.

(3)- Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Chúng ta đã thấy, trong những năm qua, việc các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chậm phát triển đã ảnh hưởng đến giá trị gia tăng và chất lượng của nhiều nông sản; nhiều đầu vào của sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu từ bên ngoài; thậm chí, một số nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn phải sử dụng thương hiệu của nước ngoài. Để khai thác và nâng cao giá trị tổng hợp của hoạt động nông nghiệp, cần kết hợp nông nghiệp với các ngành dịch vụ khác như du lịch để du lịch được tiếp cận phát triển trên tư duy du lịch tổng hợp, có sản phẩm đa dạng, kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong nông nghiệp với du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng, v.v. Từ góc độ tiếp cận này, Mộc Châu rất có thể trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và cả nước. 

Tôi cũng đánh giá cao việc các đồng chí đã xác định được các các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu: xây dựng Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản, trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Tôi đề nghị, tỉnh cần tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai đồng bộ, có hiệu quả hai Đề án lớn, đó là: "Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Đề án về phát triển Công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

 (4)- Khẩn trương hoàn thiện rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường nhất là vùng miền núi, thượng nguồn 2 sông lớn (Sông Đà và Sông Mã). Trên cơ sở đó, tổ chức lại không gian phát triển gắn với xây dựng các chuỗi liên kết với quy mô và hình thức đa dạng; triển khai các dự án phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh; phát triển công nghiệp gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Quán triệt sâu sắc mục tiêu cuối cùng là phát triển vì lợi ích của người dân; hết sức tránh làm xáo trộn sinh kế của nhân dân.

(5)- Giải quyết tốt một số điểm nghẽn trong liên kết và phát triển nông nghiệp như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tích tụ đất đai, phát triển nguồn nhân lực…Phát huy có hiệu quả cơ chế hợp tác công – tư để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp, như: đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện, nước, giao thông, đặc biệt là các tuyến đường mang tính kết nối cao như đường liên huyện, liên tỉnh, đường đến các vùng nguyên liệu, đến các khu, cụm công nghiệp; đặc biệt chú trọng các công trình hạ tầng trọng điểm như: tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sân bay Nà Sản...Phát triển nguồn nhân lực trong trong lĩnh vực sản xuất và quản lý; nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; nguồn nhân lực trong lĩnh vực lưu thông;…

(6)- Cần xây dựng tầm nhìn chiến lược, chú trọng công tác phân tích, dự báo, đặc biệt dự báo được những khó khăn thách thức trước những thay đổi nhanh chóng, những biến động tiềm ẩn nhiều bất lợi, rủi ro của bối cảnh quốc tế, để chủ động ứng phó trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh việc hoàn thiện về chỉ dẫn địa lý, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương thiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Trên cơ sở những gợi mở trên, tôi đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích kỹ tình hình thực tiễn, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, kiến nghị những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần phát triển nền nông nghiệp Sơn La nhanh, xanh và bền vững trong bối cảnh mới.

(*) đầu đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới