Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu

Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả do ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở nấu rượu thủ công tại tổ 7, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 8 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp và thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép. Các cơ sở bán buôn cũng như bán lẻ hiện nay tồn tại tình trạng mua rượu từ nhiều nguồn khác nhau, khó kiểm soát được nguồn gốc cụ thể của từng loại rượu. Đồng thời, đa phần người dân còn dễ dãi trong việc lựa chọn cho mình những sản phẩm bia rượu. Như vậy, với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn toàn tỉnh thì số lượng cơ sở đăng ký như trên và việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Từ ngày 20/3 đến 20/6, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), Phòng PC46 (Công an tỉnh), Trung tâm kiểm nghiệm (Sở Y tế) đã tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra việc trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức; kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm (lấy mẫu để kiểm tra chất lượng, nhất là hàm lượng methanol), hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn; việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy theo quy chuẩn, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ... Qua đó, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân nhằm nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh rượu; vận động nhân dân không kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không sử dụng những nguyên liệu cấm để sản xuất rượu; không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. 

Đoàn đã kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên đối với các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Cụ thể, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với khâu sản xuất, chế biến và bảo quản rượu, đồng thời, lấy mẫu kiểm tra nhanh định tính cồn công nghiệp đối với các sản phẩm rượu. Tại cơ sở sản xuất rượu của chị Trương Thị Mai, tổ 7, phường Chiềng Sinh (Thành phố), khu vực nấu rượu được bố trí gần khu vực chăn nuôi của gia đình. Được biết, gia đình chị Mai sản xuất rượu gần chục năm nay, hiện cung cấp cho rất nhiều cửa hàng, quán ăn trên địa bàn Thành phố. Tại thời điểm kiểm tra, chủ sản xuất chưa xuất trình được giấy phép sản xuất rượu, các thùng đựng men chưa được công bố hợp quy. Đoàn đã lập biên bản xử phạt và yêu cầu chị Mai khẩn trương di dời khu vực chăn nuôi cách xa khu nấu rượu, hoàn thiện các thủ tục cần thiết mới tiếp tục sản xuất. Còn tại nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống Mẹt quán, địa chỉ tổ 4, phường Chiềng Sinh, tại quầy rượu của cửa hàng đang bày bán rất nhiều loại rượu từ thủ công đến rượu công nghiệp, những bình rượu ngâm các loại thảo dược, động vật. Đoàn đã lấy mẫu để kiểm tra nhanh định tính chất methanol trong rượu. Kết quả kiểm tra cho thấy, có hàm lượng methanol trong rượu nhưng ở mức cho phép.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường cơ động, Phó trưởng đoàn kiểm tra đánh giá: Nhìn chung, các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành quy định, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, hợp đồng đối với rượu phân phối, có tem nhãn đảm bảo quy định. Các vi phạm chủ yếu đối với các cơ sở nấu rượu thủ công, lỗi vi phạm về việc niêm yết giá, không có hợp đồng với đơn vị đầu mối, chưa có giấy phép sản xuất kinh doanh hoặc lỗi vi phạm về tem, nhãn. Qua 3 tháng ra quân kiểm tra, Đoàn đã xử lý 23 cơ sở vi phạm, xử phạt 70,6 triệu đồng, buộc thu hồi trên 6.300 lít rượu.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song việc quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ nên chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phân bố khắp các khu vực trên địa bàn, nên công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Để khuyến cáo người tiêu dùng, ông Tòng Minh Văn, cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế) thông tin: Khi lựa chọn các sản phẩm rượu, người tiêu dùng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị...

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới