Tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em bị xâm hại. Cùng với đó, phối hợp xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho trẻ em.

 

Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn).

 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), hiện nay toàn tỉnh có khoảng 383.000 trẻ em, trong đó gần 196.000 trẻ em nam và trên 187.000 trẻ em nữ. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 134 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; nhiều mô hình bảo vệ trẻ em được xây dựng, nhân rộng như: “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”; “Diễn đàn trẻ em”;  hội đồng trẻ em; Câu lạc bộ quyền trẻ em... Hoạt động của các mô hình đều hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, nhất là công tác phòng ngừa.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB &XH, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tổ chức 10 cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; 2 cuộc thanh tra về thực hiện chế độ, chính sách đối với trẻ em tại huyện Mường La, Sốp Cộp. Việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được thực hiện chặt chẽ. Khi có vụ việc xảy ra, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố đã kịp thời hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại đúng quy định. Công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 100% trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 85% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ; 100% các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệt và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, theo tổng hợp của các cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh có 129 trẻ em bị xâm hại. Lực lượng chức năng đã khởi tố, điều tra 112 vụ, 135 bị can với các hành vi: hiếp dâm, dâm ô trẻ em, giao cấu với trẻ em, mua bán trẻ em và các hành vi khác. Các địa bàn xảy ra hành vi xâm hại trẻ em nhiều là: Sông Mã, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thành phố... Đối tượng phạm tội chủ yếu là những người quen biết, hàng xóm của trẻ em, thậm chí là người ruột thịt, người thân trong gia đình. Các đối tượng thường lợi dụng các cháu ở nhà một mình hoặc ở những nơi vắng vẻ, dụ dỗ các cháu đi chơi, cho tiền, đồ chơi... để thực hiện hành vi xâm hại; có cả trường hợp cho các cháu uống rượu, bia, uống các chất kích thích khác, gây những tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

Theo đại diện cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em phức tạp là do một số gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm lý, sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em; một bộ phận gia đình có tình trạng bạo lực, ly hôn, dẫn đến trẻ em không được quan tâm. Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội còn hạn chế. Kỹ năng bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa cao; công tác phát hiện, tố giác tội phạm còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí nạn nhân và gia đình nạn nhân không hợp tác trong điều tra...

Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, thời gian tới các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và gia đình trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường hoạt động tham vấn tâm lý; tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới