Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi

Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La luôn tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số dịch bệnh ở gia súc, gây thiệt hại đối với các hộ chăn nuôi, nguyên nhân chủ yếu do vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông gia súc, không chú ý việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; địa bàn rộng nên công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm rất khó khăn.

 

 

Mô hình nuôi lợn quy mô trang trại của gia đình ông Đào Văn Trang, thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

 

Điểm lại tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi năm 2019 và quý I năm 2020 ở tỉnh ta, đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng làm 698 con gia súc mắc bệnh, tập trung ở các huyện: Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Sốp Cộp, trong đó có 66 con bị chết, số còn lại đã được chữa khỏi bệnh. Có 109 con lợn mắc bệnh tai xanh ở bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương (Sông Mã) phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 457 bản, tiểu khu thuộc 131 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 16.000 con; đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, đã có 2 huyện Mường La và Thuận Châu công bố hết dịch; có 123 lượt xã, thị trấn ở các huyện đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và qua 30 ngày.

 

Ngay khi xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đã tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chống dịch trên địa bàn các huyện. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai thực hiện khoanh vùng dập dịch, điều tra nguyên nhân gây bệnh ở gia súc, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm, hướng dẫn tiêu hủy gia súc mắc bệnh; thực hiện vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại ở các địa bàn xảy ra dịch; thành lập các chốt kiểm dịch tại các huyện để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn và tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Theo đó, năm 2019 và quý I năm 2020, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đã tham mưu thực hiện cấp, phát 70.000 tờ rơi hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các huyện, thành phố; cung ứng hơn 74.500 lít hóa chất phun vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi; triển khai tiêm 1.264.000 liều vắc-xin phòng các loại bệnh ở gia súc, gồm: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, ung khí thán... tăng cường quản lý 573 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; tổ chức 3 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hành nghề cho 60 nhân viên thú y xã, thị trấn...

 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, cho biết: Đến nay, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, tổng đàn gia súc phát triển khá, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, không phát sinh thêm địa bàn mắc dịch. Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tuân thủ đúng thời gian quy định tái đàn đối với vùng đã từng có dịch bệnh ở động vật; thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm soát giết mổ và vận chuyển động vật, các sản phẩm từ động vật trên địa bàn...

 

Là hộ nuôi lợn quy mô lớn, trung bình mỗi năm, gia đình ông Đào Văn Trang, thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) xuất bán hàng nghìn con lợn giống và lợn thịt. Ông Trang cho biết: Để bảo vệ đàn lợn không mắc bệnh, gia đình ông đã đầu tư xây chuồng nuôi kiên cố, đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn; thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra, vào khu chăn nuôi...

 

Hiện nay, tỉnh ta có gần 134.000 con trâu, 342.740 con bò, hơn 196.000 con dê, gần 660.000 con lợn và hơn 6,8 triệu con gia cầm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Tiếp tục tăng cường quản lý giống, thuốc và thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh, xử lý nhanh không để lây lan ra diện rộng; tiếp tục cung ứng và triển khai tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi...

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới