Tân Xuân trồng măng tre bát độ

Với ưu điểm vốn đầu tư ít, sớm cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài, ít sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao, cây măng tre bát độ đang được nhiều hộ dân ở xã biên giới Tân Xuân, huyện Vân Hồ đưa vào trồng, vừa phủ xanh đất trống, vừa cho thu nhập, nâng cao đời sống.

Thành viên HTX nông nghiệp trung tâm Tân Xuân 269 đóng gói sản phẩm măng khô.

Là một trong 3 xã của huyện Vân Hồ tham gia Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch huyện Vân Hồ” thuộc Chương trình GREAT do Chính phủ Úc tài trợ, ngoài chăm sóc và khai thác măng rừng tự nhiên hiện có, thời gian qua, xã Tân Xuân đã chỉ đạo các HTX chế biến măng sạch và người dân trên địa bàn tập trung phát triển, mở rộng vùng trồng. Từ năm 2020 đến nay, người dân xã Tân Xuân đã chuyển đổi trên 40 ha đất kém hiệu quả sang trồng măng tre bát độ. Sau hơn 2 năm triển khai, cây măng tre bát độ đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Khảm, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, cho biết: Cây tre măng Bát độ giờ đây đã là một trong những cây trồng chủ lực của xã, có đầu ra ổn định và được đưa vào liên kết chuỗi. Do đó, xã đang tiếp tục vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn xã Tân Xuân trồng 300 ha cây măng tre bát độ.

HTX nông nghiệp trung tâm Tân Xuân 269 đã lựa chọn hướng phát triển bền vững của mình là nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm măng nứa sấy khô. Với sự hỗ trợ của Dự án GREAT, các thành viên trong HTX được hướng dẫn thu hái và chế biến măng rừng tự nhiên bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ; đầu tư nhà xưởng và hệ thống thiết bị máy móc với tổng đầu tư 1,5 tỷ đồng, công suất 1 tấn măng khô/ngày. Ngoài ra, Dự án còn tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Bà Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX, chia sẻ: HXT đã mở rộng được vùng nguyên liệu với hơn 1.000 ha măng tre, nứa. Năm 2020, sản phẩm măng nứa sấy khô của HTX được chương trình OCOP nghiệm thu đánh giá chất lượng 4 sao; giá trị của sản phẩm đã tăng lên gấp 2 so với trước đây.

Bà Hà Thị Tút, bản Bướt, xã Tân Xuân, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chưa có việc làm ổn định, vào mùa măng mọc thường đi lấy về để bán kiếm tiền chi tiêu. Từ khi có xưởng măng của Hợp tác xã nông nghiệp trung tâm Tân Xuân, gia đình đã vào đây làm, được hướng dẫn quy trình chế biến măng nứa sấy khô theo quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Còn HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân được thành lập từ năm 2020 với 8 thành viên tham gia; quy mô nhà xưởng khoảng 400 m², sản xuất các sản phẩm măng khô, măng muối, măng chua. Bà Hà Thị Cúc, Giám đốc HTX chia sẻ: Măng tre bát độ dễ chăm sóc, đầu tư một lần thu hoạch tới 20 năm. Năm nay, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua sản phẩm măng tre bát độ với Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bái) và Công ty cổ phần Kim Bôi (Hòa Bình) với sản lượng 16 tấn măng thành phẩm.

HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân còn thực hiện ươm cây giống, mỗi năm cung cấp cho bà con trên 10.000 cây giống. Việc chủ động ươm giống giúp người dân giảm chi phí, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao và sau khi trồng từ năm thứ 2 đã cho thu hoạch măng. Mỗi ha cho năng suất bình quân khoảng 20-35 tấn/năm. Anh Vì Văn Nguyễn, xã Tân Xuân, cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 1 ha măng tre bát độ. Hiện nay, sản phẩm được HTX thu mua với giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Hiệu quả từ cây măng tre bát độ tại xã Tân Xuân cho thấy việc trồng và mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đang là một hướng đi phù hợp với địa phương. Tuy nhiên, để phát triển mô hình trồng măng tre bát độ bền vững, hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong việc quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật, tìm đầu mối tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm... giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới