Tâm tình người lính Pha Luông

“...Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...” - Những câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của cố nhà thơ Quang Dũng đã khiến chúng tôi thêm háo hức trong suốt chặng đường đến Trạm Kiểm soát biên phòng Pha Luông. Và cũng cảm nhận thêm về những vất vả của người lính biên phòng đang ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng đất biên cương.

 

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông cách đường biên chừng 6 km, để lên trạm dịp này khá vất vả bởi tuyến đường tuần tra biên giới đang được mở rộng, đất, đá ngổn ngang. Chúng tôi đành gửi xe máy chuyển sang đi bộ. Chiến sỹ Nguyễn Văn Xuân cười hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Chắc phóng viên còn nhớ bài thơ Tây Tiến của cố nhà thơ Quang Dũng có đoạn nói về đường lên Pha Luông chứ, lát nữa phóng viên trải nghiệm con đường này xem có đúng như trong bài thơ không nhé”. Đường lên Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông dốc cheo leo, nhìn xuống vực sâu hun hút. Tôi thầm nghĩ, nhà thơ Quang Dũng cũng có những ngày vượt suối băng rừng ở nơi đây nên mới có những vần thơ sâu sắc đến thế, thể hiện ý chí quật cường của Trung Đoàn 52 Tây Tiến năm xưa, cũng như những khó khăn, vất vả của những người lính biên phòng trên vùng đất biên cương hôm nay.

Sau hơn 1 giờ, chúng tôi đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông. Nhìn lên đỉnh Pha Luông trong tầm mắt, sừng sững hùng vĩ trong mây, bao quanh là cánh rừng xanh ngát của đại ngàn. Niềm nở đón tiếp chúng tôi, Thiếu úy Đặng Hữu Tú, Đội trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông, tâm sự: 6 năm kể từ ngày Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập được thành lập, nhiều chiến sỹ được luân chuyển công tác, nhưng cũng có những chiến sỹ vẫn bám trụ gắn bó với mảnh đất vùng biên này. Nơi đóng quân khá xa, không có điện, nước sạch dùng trong khe núi, thực phẩm thì phải ra trung tâm xã mua về. Dù khó khăn là vậy, nhưng ai cũng cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trao đổi thêm được biết: Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông được phân công nhiệm vụ quản lý 8,2 km đường biên giới, bảo vệ 8 cột mốc thuộc địa phận hai bản Pha Luông, Suối Thín, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu). Ngoài ra, nơi đây cũng là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự trên tuyến biên giới, nhất là hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Dù lực lượng khá mỏng, hoạt động trên tuyến biên giới trọng điểm, địa hình chia cắt phức tạp, song những người lính Pha Luông vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ tuần biên, trinh sát, kịp thời xử lý tình huống ngay tại cơ sở.  6 năm qua, cán bộ, chiến sỹ của Trạm đã phát hiện và báo cáo kịp thời cho Chỉ huy Đồn Biên phòng Lóng Sập phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, trấn áp và bắt nhiều vụ vận chuyển ma túy đi qua khu vực biên giới. Chỉ riêng năm 2018, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cùng các đơn vị chức năng đã phát hiện và bắt giữ 55 vụ, 66 đối tượng liên quan đến ma túy; thu giữ 8 bánh hê-rô-in và 96,16 gram hê-rô-in, trên 22.000 viên ma túy tổng hợp, 1.178 gram ma túy dạng đá, 1 khẩu súng, 11 viên đạn, 22 xe máy, 26 điện thoại di động và gần 250 triệu đồng. Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông đã góp công thầm lặng trong những chiến công mà đơn vị đã đạt được.

Những năm gần đây, đỉnh Pha Luông trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi đến Mộc Châu, vì vậy, Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông kiêm thêm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tham quan khám phá, nhưng cũng không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới này. Đồng thời, Trạm thường xuyên phân công cán bộ, chiến sỹ trực tiếp giúp dân, từ việc hướng dẫn cho bà con phát triển kinh tế, đến vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay; giữ gìn vệ sinh để phòng bệnh... gắn kết tình quân dân.

6 năm đóng quân dưới chân núi Pha Luông, chiến sỹ Nguyễn Văn Xuân có nhiều kỷ niệm với nơi này. Anh tâm sự: Có những đợt ròng rã cả tháng không thấy mặt trời, vì sương mù dày đặc. Cũng có những đợt mưa lớn, thực phẩm dự trữ của Trạm hết mà không thể đi mua được, anh em đi hái rau rừng về ăn. Người dân trong bản dành cho chúng tôi nhiều tình cảm lắm. Tôi đã từng được đề nghị điều chuyển công tác, nhưng vì gắn bó với nơi này và gắn bó với bà con bản Pha Luông như người thân trong gia đình nên tôi đã kiến nghị với Chỉ huy cho ở lại.

Câu chuyện của anh Xuân và của những người lính Pha Luông khiến chúng tôi rất cảm động. Các anh thể hiện rõ nét nhất phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, sẵn sàng nhận gian nan, vất vả, cống hiến tuổi thanh xuân để góp sức bảo vệ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới