Tà Xùa phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Là cửa ngõ của các xã vùng cao Bắc Yên, xã Tà Xùa có nhiều điều kiện để giao lưu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch. Vì vậy, những năm gần đây, Tà Xùa đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Du khách trải nghiệm giã bánh giầy truyến thống ở xã Tà Xùa (Bắc Yên).

             

Không chỉ có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, mà Tà Xùa còn hấp dẫn du khách bởi các phong tục tập quán mang đậm bản sắc của đồng bào Mông vùng cao. Được biết, người Mông ở Tà Xùa đa phần là thuộc tộc Mông Đu (còn gọi là Mông Đen), với tiếng nói và nhiều nét văn hóa độc đáo, khác với những tộc người Mông khác. Đơn cử như họa tiết, màu sắc trên trang phục; phụ nữ thường búi tóc bằng đuôi ngựa; trước cửa nhà, người dân vẫn còn xếp đá tạo thành những bức tường đá tự nhiên...

             

Với địa hình hiểm trở, cảnh vật còn nhiều nét hoang sơ, các cung đường đèo dốc quanh co đặc trưng của Tây Bắc..., tạo sức hấp dẫn đối với những người ưa thích trải nghiệm, khám phá và chinh phục, nên khách du lịch đến với Tà Xùa đa phần là “dân phượt” hoặc các bạn trẻ là sinh viên. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng “thiên đường mây”, nhiều năm qua đã thu hút đông đảo du khách thập phương tìm đến để được một lần chiêm ngưỡng biển mây. Nếu đến Tà Xùa vào ngày không “săn” được mây, du khách vẫn còn một lựa chọn khác, là khám phá những đồi chè cổ thụ ở bản Tà Xùa và bản Bẹ. Ngắm những cây chè trên trăm năm tuổi đầy rêu mốc bám trên thân, tán cây to, rộng phát triển tự nhiên...; tìm hiểu phương pháp sao chè truyền thống của người dân địa phương..., cũng là những trải nghiệm thú vị cho du khách trong chuyến du lịch.

             

Cùng với mùa “săn” mây, vào cuối năm, xã Tà Xùa còn tổ chức Hội chợ vùng cao, quy tụ người dân các xã vùng cao Bắc Yên mang đến trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có tiếng của các địa phương, như rượu Hang Chú, măng trúc muối ớt Háng Đồng, rượu sơn tra và những bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông được dệt bằng các loại vải thổ cẩm, công cụ lao động đặc trưng của người vùng cao... được bày bán làm đồ lưu niệm cho du khách. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo về ẩm thực, các trò chơi dân gian, như: Giã bánh giày; đánh tu lu; bắn nỏ...

             

Chia sẻ với chúng tôi về chuyến du lịch Tà Xùa lần này, anh Phạm Văn Minh, du khách đến từ Hải Phòng, cho hay: Đã mấy lần đến Tà Xùa, từng được ngắm “thiên đường mây”, những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được trải nghiệm giã bánh giầy... Với tôi, du lịch Tà Xùa vẫn còn nhiều thú vị và hấp dẫn, muốn được tiếp tục khám phá.

             

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, xã Tà Xùa còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do sự phát triển của đời sống xã hội, xu hướng thương mại hóa, đã làm một số nét văn hóa độc đáo, như: Xếp tường đá, búi tóc bằng lông đuôi ngựa... không còn được bảo tồn nguyên gốc. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông, tại nhiều điểm của xã Tà Xùa, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, hơn 200 cây chè cổ thụ ở bản Bẹ  đang có dấu hiệu thoái hóa. Trao đổi với chúng tôi về việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện để phát triển du lịch gắn với bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Mùa A Khư, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Tà Xùa, là một trong những hướng đi đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều hội nghị, hội thảo của huyện Bắc Yên. Riêng với xã, đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về việc cần bảo tồn các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, nội dung bản cam kết “5 không 5 có” trong đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, tăng cường quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, gìn giữ và bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống, nhạc cụ, công cụ sản xuất, nghề truyền thống của địa phương. Đặc biệt, cuối năm 2019, quần thể hơn 200 cây chè cổ thụ ở bản Bẹ đã được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây di sản. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các đồi chè cổ thụ.

             

Phát triển du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống đã và đang là xu hướng xây dựng thương hiệu của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nói chung và xã Tà Xùa nói riêng. Hy vọng, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, sự đa dạng phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, xã vùng cao Tà Xùa sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới