Tạ Khoa chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Nhiều năm trước đây, nhân dân xã Tạ Khoa (Bắc Yên) chủ yếu là trồng cây ngô trên nương, do xói mòn, đất bạc màu nên năng suất ngày càng thấp. 5 năm trở lại đây, người dân Tạ Khoa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vì vậy cuộc sống đang từng bước đổi thay.

Tuyến đường nội bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa (Bắc Yên) được bê tông hóa.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến về Tạ Khoa lần này là bản Nhạn Nọc. Thời điểm này, bà con đang tập trung lên nương chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Với hơn 120 ha đất nương nằm ven bên bờ sông Đà, bà con  chủ yếu trồng ngô, nhưng đất bạc màu, năng suất giảm, giá bán ngày càng thấp, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng không riêng bản Nhạn Nọc, nhiều năm qua, hầu hết các bản của xã chủ yếu trồng ngô, sắn trên nương, việc tuyên truyền người dân chuyển hướng sản xuất gặp không ít khó khăn. Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tạ Khoa có 4.400 hộ dân, trên 7.200 ha đất tự nhiên chia làm ba khu vực, gồm các bản ven sông, bản vùng cao và vùng giữa. Trong đó, đất sản xuất chủ yếu là đất đồi có độ dốc lớn, ngoài ra còn có một số diện tích đất bán ngập ven sông. Những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp, từng bước thay thế cây lương thực ngắn ngày bằng một số loại cây ăn quả, như xoài, nhãn, ổi... trên các sườn đồi ven sông, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng khả năng giữ đất, ngăn việc sạt lở bờ sông. Đến nay, Tạ Khoa đã có 105 ha cây ăn quả, trong đó gần 30% diện tích cho thu hoạch và 204 ha chuối, năng suất 8-9 tấn quả/ha. Còn đối với người dân các bản vùng cao, xã định hướng bà con khai thác tốt lợi thế, chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng một số loại cây dược liệu dưới tán rừng.

Để hiểu hơn về việc người dân Tạ Khoa đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, chúng tôi tới thăm gia đình chị Quàng Thị Quyên, bản Tân Cuông, gia đình chị hiện có 5 ha xoài, nhãn, bưởi và ổi. Mặc dù trồng trên độ dốc khá lớn, nhưng vườn cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Quyên chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô nhưng năng suất ngày càng thấp, giá bán cũng không được bao nhiêu. Do đó, khi được xã tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi trồng cây ăn quả và được đi xem một số mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã chuyển sang trồng cây ăn quả, năm nay khoảng 1 ha sẽ cho lứa quả đầu tiên.

Bên cạnh đó, ban quản lý các bản còn tích cực vận động bà con các bản ven sông tận dụng ruộng bán ngập để gieo cấy lúa ruộng, trồng rau màu. Ngoài ra, bà con còn khai thác lợi thế đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, trọng tâm là chăn nuôi đại gia súc, hiện Tạ Khoa có hơn 2.680 con trâu, bò và duy trì nghề đánh bắt thủy sản trên hồ sông Đà.

Theo Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Quyền, với việc thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu đồng. Tạ Khoa còn đang có thêm niềm vui mới, đó là tuyến đường dài 17 km từ quốc lộ 37 vào trung tâm xã đang được triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Tin rằng, khi con đường hoàn thành sẽ là điều kiện để Tạ Khoa có bước bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới