Sức sống trên vùng quê tái định cư Quỳnh Nhai: Kỳ I: Vì dòng điện của Tổ quốc

Trong cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (tại thời điểm đó), huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di chuyển 8.435 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc 9 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu, bằng 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh. 16 năm rời “nơi chôn nhau cắt rốn”, cuộc sống của các hộ dân tái định cư trên quê hương thứ hai đang khởi sắc từng ngày.

                                       

Cuộc đại di dân lịch sử

Đã 16 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc đại di dân vì dòng điện của Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người dân Quỳnh Nhai. Ông Lường Văn The, quê bản Cà Nàng, xã Cà Nàng về TĐC tại bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, vẫn nhớ như in ngày tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc, chuyển đến nơi ở mới. Ông The không giấu cảm xúc ùa về: Lúc đó, tôi có nhiều băn khoăn và lưu luyến lắm, rời mảnh đất của cha ông bao đời gắn bó, sao không lưu luyến được. Nhưng nghe theo lời Đảng, chúng tôi di chuyển để xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La và tôi luôn có niềm tin, Đảng sẽ chăm lo cuộc sống cho chúng tôi ở quê mới tốt hơn ở quê cũ. Vì vậy, tôi đã vận động người thân trong gia đình và bà con trong bản nhanh chóng di chuyển đến nơi ở mới.

Nông dân xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) phát triển nghề nuôi cá lồng.

             

Trường hợp của gia đình ông The chỉ là 1 trong tổng số 8.435 hộ dân của huyện Quỳnh Nhai trong diện di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, đến tái định cư (TĐC) tại 11 khu, 90 điểm TĐC (78 điểm TĐC tập trung nông thôn và 12 điểm TĐC đô thị). Nhớ lại những năm tháng cao điểm thực hiện di chuyển dân, đồng chí Nguyễn Văn Thu, Bí thư Huyện ủy tự hào: Thời điểm đó, cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc thực hiện công tác di chuyển dân ra khỏi vùng ngập. Với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, thay vì những băn khoăn về lợi ích cá nhân, những lưu luyến phải rời quê hương - nơi “chôn nhau cắt rốn”, các hộ thuộc diện di chuyển đã đồng thuận cao, sẵn sàng hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc. Thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân di chuyển, cả hệ thống chính trị trong huyện đã phối hợp đồng bộ trong việc hỗ trợ các hộ dân: Chi trả, tạm ứng tiền bồi thường; tổ chức lực lượng tháo dỡ nhà ở, làm lều lán tạm, làm đường giao thông, bố trí phương tiện vận chuyển, san ủi nền nhà, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nơi nhân dân chuyển đến TĐC... Thời điểm đó, huyện Quỳnh Nhai giống như một công trường khổng lồ, vận hành nhịp nhàng, với sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đến tháng 4/2010, huyện Quỳnh Nhai hoàn thành di chuyển 100% số hộ trong diện di chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La an toàn về người và tài sản, với hai đợt: Đợt I (năm 2005), di chuyển 488 hộ dưới cốt ngập 140 m, phục vụ kịp thời cho Lễ khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và đợt 2, di chuyển 7.947 hộ dưới cốt ngập 218 m, góp phần hoàn thành tiến độ trước 5 năm so với kế hoạch di chuyển dân và trước 3 năm so với kế hoạch cắt băng khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La.

Cán bộ xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) hướng dẫn nông dân chăm sóc diện tích cây cà phê.

Nỗ lực để ổn định cuộc sống cho người dân

Kể với chúng tôi về thời gian sau khi hoàn thành công cuộc di dân TĐC, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai tập trung tìm hướng đi, cách làm phù hợp để ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân, đồng chí Nguyễn Văn Thu cho biết, đó là bài toán vô cùng nan giải lúc bấy giờ. Bởi ngoài 8.435 hộ dân di chuyển ra khỏi vùng ngập, còn có trên 3.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng. Cùng với đó, 414 hộ không di chuyển theo quy hoạch, đã phá vỡ quy hoạch TĐC của huyện, ảnh hưởng đến định mức đất sản xuất phân cho các hộ dân. Đơn cử như tại xã Chiềng Bằng, diện tích đất sản xuất bình quân là 2.000-3.000 m²/hộ dân (thấp hơn so với quy định). Tại thời điểm đó, nơi thì thiếu đất sản xuất, nơi thì người dân chưa quen với việc chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng cà phê, cây ăn quả…

             

Trạm Y tế xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) được đầu tư xây dựng khang trang.

Trước khó khăn đó, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng thời nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn để định hướng cho người dân phát triển sản xuất. Đảng bộ huyện đã tập trung hoàn thành việc giao đất sản xuất cho các hộ dân TĐC; thực hiện đầy đủ các chính sách bồi thường theo quy định của Nhà nước; tranh thủ mọi nguồn lực của Nhà nước, nguồn xã hội hóa để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Điểm nhấn là, từ nguồn vốn của chương trình, mục tiêu quốc gia, năm 2010, huyện triển khai nuôi thí điểm 20 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

             

Mộc góc bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) hôm nay.  

Câu chuyện nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đến nay vẫn luôn là đề tài hấp dẫn với người dân Quỳnh Nhai. Bởi, sau khi triển khai thí điểm đạt hiệu quả, mô hình nuôi cá lồng ngày càng được nhân rộng. Huyện ủy Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 và Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh về hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Hiện, gần 10.000 hộ dân trên địa bàn các xã vùng hồ đã và đang gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Toàn huyện đã có 46 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2,3 nghìn tấn thủy sản/năm (chỉ tính thủy sản có chất lượng cao); 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp trên địa bàn được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp phép.

             

Cũng vẫn câu chuyện về ổn định cuộc sống người dân vùng TĐC thủy điện Sơn La, đồng chí Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai chia sẻ: Ngoài khai thác hiệu quả 275 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, huyện đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho các vùng TĐC thủy điện Sơn La để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mà trọng tâm là trồng cây ăn quả và cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với bảo vệ rừng. Trong đó, toàn huyện đã trồng được 150 ha cây sa nhân cao sạ dưới tán rừng, đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha. Tại các xã: Mường Giàng, Chiềng Ơn đã trồng được 100 ha cây ăn quả các loại; xã Chiềng Khay trồng gần 100 ha cây mắc ca, ngoài ra còn trồng cây ăn quả và cây chanh leo...

             

Điểm nhấn trong việc tạo sinh kế cho người dân các vùng TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đó là, phát triển dịch vụ du lịch. Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 47-NQ/HU về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2014-2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thực hiện đề án bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Thái (Thái trắng) tại xã Mường Chiên, gắn với du lịch cộng đồng tại xã; phát triển các khu du lịch: Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; trung tâm xã Mường Giàng; khu du lịch tâm linh đền Linh Sơn-Thủy Từ... Trên địa bàn hiện có Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tâm Anh Tây Bắc, Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Trung Kiên Tây Bắc, HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX Quỳnh Nhai Travel... đã và đang đầu tư xây dựng khu du lịch lòng hồ tại xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm tại lòng hồ Quỳnh Nhai... Với mục tiêu Quỳnh Nhai là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch miền núi Tây Bắc, qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện.

             

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, để tạo việc làm cho lao động, cũng như giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân vùng TĐC, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có đủ khả năng tham gia thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động nước ngoài. Hiện nay, toàn huyện có trên 4.000 lao động làm việc tại các nhà máy trong tỉnh, ngoài tỉnh. Cùng với đó, huyện còn mời gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp, để tạo việc làm cho lao động địa phương...

             

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, của Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, cuộc sống của các hộ dân TĐC tại 11 khu, 90 điểm TĐC trên địa bàn huyện đang ngày càng khởi sắc, người dân yên tâm xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc trên quê hương thứ hai.

(Còn nữa)

Hồng Luận - Trần Hiền

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới