Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN lần thứ 15; Tiến trình thành lập chính phủ liên minh ở Đức đang dần tới đích; Bầu cử Quốc hội Italy; Đàm phán hai miền Triều Tiên có nhiều đột phá; Nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị gặp Tổng thống Mỹ; Ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... là một số tin quốc tế nổi bật tuần qua.

Các trưởng đoàn tham dự ACDFIM-15

Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN lần thứ 15

Ngày 8/3, Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng (LLQP) các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 15 (ACDFIM-15), với chủ đề “Tăng cường hợp tác, xây dựng tự cường” đã được tổ chức tại Singapore.

Tại hội nghị này, Trung tướng Perry Lim, Tư lệnh Lực lượng quốc phòng Singapore khẳng định cam kết của Singapore về tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, sự tin tưởng lẫn nhau trong các quan hệ song phương và đa phương trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, đồng thời bày tỏ sự quan tâm, quan ngại sâu sắc đối với chủ nghĩa khủng bố đã và đang đe dọa môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Để ứng phó hiệu quả với khủng bố và các thách thức đang nổi lên, chủ nhà ACDFIM-15 đề nghị quân đội các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác theo tinh thần "Tự cường - Ứng phó - Phục hồi", phối hợp chia sẻ thông tin, tổ chức diễn tập song phương và đa phương chống khủng bố, nhằm đẩy lùi và ngăn chặn sự trỗi dậy của khủng bố.

Các nước tham dự hội nghị đã đề cập nhiều nội dung hợp tác song phương và đa phương trong khuôn khổ hợp tác ASEAN vì mục tiêu chung, phù hợp với đặc thù của quân đội mỗi nước. Nội dung được các nước nhấn mạnh và bày tỏ thống nhất cao đó là cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh biển, ứng phó thảm họa thiên tai, cứu trợ nhân đạo, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn tập, tuần tra chung… Hội nghị cam kết trách nhiệm của quân đội các nước ASEAN trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực, xây dựng năng lực, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ hợp tác quốc phòng. Vai trò hợp tác chống khủng bố giữa lực lượng quân đội các nước ASEAN và với các đối tác ngoài ASEAN cần chú trọng các biện pháp ứng phó với khủng bố bằng vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ (CBR).

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, tham dự hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ những ý kiến đánh giá về tình hình an ninh khu vực và các nội dung hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN trong thời gian tới mà Tư lệnh các nước đã đề cập. Để ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết và thực sự là trung tâm, động lực dẫn dắt các cơ chế hợp tác an ninh khu vực thì trước hết ASEAN phải tìm ra các phương cách hợp tác thực chất và hiệu quả, xây dựng khả năng tự cường của ASEAN. Quân đội các nước ASEAN là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy cộng đồng chính trị - an ninh, trụ cột quan trọng của cộng đồng ASEAN.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất một số nội dung cần đẩy mạnh, đó là: Cần thống nhất về nhận thức và trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh chung của ASEAN và xác định an ninh của ASEAN chính là an ninh của mỗi quốc gia thành viên và ngược lại. Thường xuyên làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, chia sẻ thông tin lẫn nhau, trên cơ sở đó xác định, lựa chọn các ưu tiên hợp tác, theo nguyên tắc những vấn đề có tính nguy hiểm, cấp bách cần được xử lý trước theo phương châm từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, trên tinh thần thực tâm, tự nguyện và trách nhiệm.

Kết thúc Hội nghị, các nước đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như sự cần thiết phải nâng cao lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế trong tiến hành các hoạt động nhằm tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Tiến trình thành lập chính phủ liên minh ở Đức đang dần tới đích

Ngày 4-3-2018, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã công bố kết quả cuộc trưng cầu ý kiến của các đảng viên đảng này về thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel. Theo đó, lệ các đảng viên đảng này ủng hộ việc tái khởi động một chính phủ "đại liên minh" mới với liên đảng CDU/CSU chiếm 66,02% trong tổng số 463.723 đảng viên đủ tư cách bỏ phiếu. Trước đó, đảng CDU và CSU cũng đã phê chuẩn thỏa thuận liên minh với SPD.

Như vậy, với việc thỏa thuận liên minh nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên đảng SPD và của liên đảng CDU/CSU, rào cản cuối cùng trong tiến trình thành lập chính phủ mới tại Đức đã được dỡ bỏ. Theo đó, bà Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp trong chính phủ "đại liên minh" mới. Theo kế hoạch, bà Merkel sẽ nhậm chức tại Quốc hội Liên bang vào ngày 14-3 tới.

Những tín hiệu tích cực trên đã khai thông bế tắc trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới kéo dài từ sau cuộc tổng tuyển cử tại Đức hồi tháng 9-2017. Đây cũng được xem là tin tốt lành với Liên minh châu Âu (EU), nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bởi từ đây Thủ tướng Merkel có thể tập trung hơn vào việc hợp tác với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triển khai các gói kế hoạch cải cách Eurozone.

Bầu cử Quốc hội Italy

Ngày 4-3, tại Italy đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ 18 kể từ năm 1948, thời điểm Hiến pháp nước cộng hòa này được phê chuẩn. Đây là kỳ bầu cử quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2018 bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang loay hoay tìm lại chính mình, trong khi nước Anh đang rời đi. Do đó sự ổn định của Italy được xem là vô cùng quan trọng với châu Âu lúc này.

Có hơn 46,5 triệu cử tri Italy đủ tư cách đi bỏ phiếu để bầu ra 630 hạ nghị sỹ và 315 thượng nghị sỹ tại hơn 61.500 điểm bầu cử trên khắp cả nước. Theo kết quả kiểm gần 100% phiếu cho thấy liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã dẫn đầu và giành được 37% số phiếu tại Hạ viện (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cùng với 103 ghế hạ nghị sĩ (được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử). Còn tại Thượng viện, liên minh này giành được tỷ lệ tương ứng là 37,49% cùng với 54 ghế thượng nghị sĩ.

Điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử này là tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng dân túy và kháng chính thống tăng mạnh, dẫn chứng là đảng dân túy M5S và đảng cực hữu Liên đoàn (tên cũ là Liên đoàn phương Bắc) giành được khá nhiều phiếu bầu so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với các chính đảng truyền thống như đảng PD và đảng Tiến lên Italy (FI) lại sụt giảm mạnh. Sự thắng thế của các đảng dân túy và cực hữu ở Italy được cho là một đòn mạnh giáng vào Liên minh châu Âu và khiến giới đầu tư quan ngại.

Với kết quả nói trên, không có phe nào trong số 3 lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy giành đủ đa số quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ và như vậy Italy sẽ tồn tại một quốc hội treo sau cuộc bầu cử lần này. Kết quả bầu cử này khiến tương lai chính trị của Italy vẫn chưa hề chắc chắn.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện triển vọng thành lập một đại liên minh giữa liên minh cánh hữu và đảng PD trung tả dường như là một kịch bản đang được các nhà đầu tư và giới chức Liên minh châu Âu kỳ vọng. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng khả năng một liên minh dân túy và cực hữu cũng có thể xảy ra.

Đàm phán hai miền Triều Tiên có nhiều đột phá

Ngày 5 và 6-3, phái đoàn đặc biệt của Hàn Quốc gồm 10 người, trong đó có 5 quan chức cấp cao và 5 quan chức cấp chuyên viên, do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong dẫn đầu đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên tại trụ sở chính của Đảng Lao động Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên các quan chức Hàn Quốc thăm trụ sở chính của Đảng Lao động Triều Tiên và cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đối thoại trực tiếp với giới chức Hàn Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011.

Tại cuộc gặp, hai nước đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn 10 năm vào cuối tháng 4-2018 tới tại làng đình chiến Panmunjeom, cũng như thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên.

Cuộc gặp lần này được truyền thông hai nước mô tả là “bầu không khí chân thành giữa những người đồng hương” và là bước tiến cao nhất trong tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều diễn ra dồn dập từ đầu năm 2018, trong đó nổi bật là việc CHDCND Triều Tiên thể hiện thiện chí rõ rệt thông qua việc cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị gặp Tổng thống Mỹ

Ngày 8/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đã công bố lời mời gặp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Chung cũng sẽ công bố nội dung một cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc dừng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Chung khẳng định, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ diễn ra vào tháng 4/2018 như dự kiến.

Trước đó, kênh CNN dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết phái đoàn Hàn Quốc ngày 8/3 đã gửi tận tay tới Nhà Trắng một lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành cho Tổng thống Trump.

Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm

Ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Các quy định mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.

Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ngoài trường hợp ngoại lệ là hai đối tác NAFTA thì Mỹ cũng sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia khác giải thích lý do vì sao họ không nên bị áp mức thuế. Tổng thống Trump khẳng định: “Mỹ vẫn để ngỏ khả năng thay đổi hoặc xóa bỏ mức thuế cho từng quốc gia, miễn là chúng ta có thể nhất trí về cách bảo đảm rằng các sản phẩm của họ không còn đe dọa đến an ninh của nước Mỹ”.

Việc miễn thuế đối với những nước trên được coi là một động thái có thể làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ và những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế từ các nhà lập pháp và các tập đoàn cũng như doanh nghiệp Mỹ. Bởi trước đó, vào ngày 1-3, sau khi tổng thống Trump công bố chủ trương tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, liên tiếp nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Thậm chí, Liên minh châu Âu (EU) còn để ngỏ các biện pháp đáp trả nhằm vào một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như nông sản, xe máy Harley-Davidson, quần bò Levi’s, rượu whisky, ngô...

Thực tế lâu nay, các công ty thép và nhôm của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài. Những sự cạnh tranh không công bằng như vậy sẽ khiến thị trường thế giới tràn ngập các sản phẩm kim loại, giá cả hạ xuống gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Do đó, chính quyền của Tổng thống D.Trump cho rằng, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại và quốc gia này dễ bị tổn thương trong bối cảnh có những xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Do đó, việc áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm được chính quyền Trump cho là phù hợp nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.

Ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Rạng sáng 9-3 (theo giờ Việt Nam), tại thủ đô Santiago de Chile đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Việc CPTPP chính thức được ký kết được xem là một dấu mốc lịch sử, mở ra những thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia.

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới