Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam; Đức nỗ lực thành lập chính phủ “đại liên minh”; OPEC và Nga quyết định cắt giảm sản lượng dầu; CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo; Tấn công đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập làm hàng trăm người thiệt mạng...là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Lễ đón Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda tại Phủ Chủ tịch

Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 27-30/11/2017. Trong thời gian thăm Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan đã có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; gặp gỡ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Ba Lan.

Sáng 28/11, sau lễ đón trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Andrzej Duda.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Andrzej Duda thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan lần này sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ với các nước bạn bè hữu nghị truyền thống tại Trung Đông Âu, trong đó Ba Lan là đối tác ưu tiên.

Tổng thống Andrzej Duda chân thành cảm ơn sự tiếp đón trọng thị mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn; đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; khẳng định Ba Lan luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ chính trị thời gian qua. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp và địa phương.

Hai Lãnh đạo đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước trên trường quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Ba Lan được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018 - 2019. Tổng thống Ba Lan khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và ủng hộ việc sớm ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hai Lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển vượt bậc trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước thời gian qua. Hiện Ba Lan là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu, Việt Nam là bạn hàng thứ 7 ngoài EU của Ba Lan; kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt mức kỷ lục 790 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2017 đạt 730 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2017 tăng gấp hai lần, đạt 189 triệu USD.

Hai Lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, cụ thể là sớm giải ngân khoản tín dụng ODA trị giá 250 triệu Euro mà Ba Lan dành cho Việt Nam trên cơ sở Hiệp định khung về hợp tác tài chính ký nhân chuyến thăm; tích cực triển khai nội dung Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện để Văn phòng Đại diện của Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh khai trương nhân dịp này hoạt động hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác  kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm, dược phẩm, bảo vệ môi trường…

Hai Lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh, nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Hai Lãnh đạo đánh giá cao việc ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục đại học nhân chuyến thăm với việc tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh hai nước lên 20 suất/1 năm và Ý định thư hợp tác về việc mở khóa học tiếng Ba Lan giữa Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan và Trường Đại học Hà Nội. Hai Bên nhất trí khôi phục lại cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ba Lan về hợp tác khoa học công nghệ và tổ chức khóa họp của Ủy ban vào năm 2018.

Hai Lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ môi trường, nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xử lý rác thải và nước thải, công nghệ xanh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Ba Lan đưa Việt Nam vào danh sách 14 thị trường xuất khẩu nông nghiệp được ưu tiên và việc hai bên ký Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp nhân chuyến thăm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Nhà nước, Chính phủ Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Andrzej Duda đã họp báo và chứng kiến Lễ ký Hiệp định về hợp tác tài chính; Thỏa thuận hợp tác giáo dục đại học; Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Ba Lan; Ý định thư về việc thành lập khóa học tiếng Ba Lan tại Trường Đại học Hà Nội; Hợp đồng đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm giữa Công ty Đạt Vi Phú Việt Nam và Tập đoàn Adamed Ba Lan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui vẻ nhận lời mời sang thăm Ba Lan cấp Nhà nước vào thời gian thích hợp, thời gian cụ thể sẽ thống nhất theo đường ngoại giao.

Đức nỗ lực thành lập chính phủ “đại liên minh”

Ngày 26/11/2017, các nhà lãnh đạo của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Merkel đã nhất trí theo đuổi thành lập một chính phủ đại liên minh với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD). Những kết quả này đạt được trong bối cảnh trước đó, nỗ lực thành lập liên minh của CDU/CSU với đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh đã bị thất bại. Trong khi đó, đối với SPD, dưới áp lực ngày càng tăng về việc duy trì ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, đảng này cũng đã thay đổi qua điểm, nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò về liên minh cầm quyền với Thủ tướng Angela Merkel.

Việc SPD đồng ý đàm phán thành lập liên minh với CDU/CSU đã mở ra triển vọng về việc thành lập một đại liên minh mới vốn cầm quyền ở Đức trong 4 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng, SPD cần thành lập một “đại liên minh” với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel nhằm thúc đẩy sự ổn định và cũng là giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Đức.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán tới đây giữa liên minh CDU/CSU và SPD cũng được nhận định là sẽ rất khó khăn, trong đó có vấn đề người tị nạn (về mức trần tiếp nhận, vấn đoàn tụ gia đình). Dự kiến các cuộc đàm phán sẽ chính thức khởi động từ tháng 12/2017.

OPEC và Nga quyết định cắt giảm sản lượng dầu

Tất cả các thành viên OPEC và Nga / nhà sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu trong cuộc họp diễn ra tại Áo ngày 30/11/2017.

Cùng ngày, sau nhiều giờ thảo luận tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo), OPEC đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu "tụt dốc" thảm hại trong tương lai. Tuy nhiên, mức cắt giảm vẫn được giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu.

Kết quả này đạt được trong bối cảnh thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác giữa OPEC và 11 nước ngoài OPEC (đạt được hồi cuối năm 2016) sắp hết hạn vào ngày 31/3/2018 tới. Vào thời điểm đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày, áp dụng kể từ tháng 1/2017, nhằm ứng phó với tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Sau gần 1 năm thực hiện, thỏa thuận này đã đem lại những kết quả nhất định, đẩy giá dầu lên mức cao trong gần 2 năm qua và giảm lượng dầu tồn kho toàn cầu.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng cũng đang khiến các nước OPEC cũng như Nga lo ngại có thể làm lợi cho Mỹ, dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, bởi nước này vốn không tham gia thỏa thuận này.

CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

Ngày 29/11, CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng thử nghiệm thành công tên lửa ICBM Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ hoàn toàn lục địa Mỹ".

Trong một phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định CHDCND Triều Tiên "đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia". Tuyên bố của phía Triều Tiên cũng cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của CHDCND Triều Tiên, đã bay 950km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Như vậy là sau gần 3 tháng im ắng kể từ sau vụ phóng tên lửa tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản và được cho là có khả năng vươn tới đảo Guam của Mỹ, CHDCND Triều Tiên lại bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo. Đây là vụ thử tên lửa thứ 3 của Triều Tiên kể từ tháng 7/2017. Vụ việc này cũng diễn ra chỉ hai tuần sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngay lập tức, HĐBA Liên hợp quốc đã họp khẩn, lãnh đạo các nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã điện đàm, bàn cách đối phó diễn biến căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, việc CHDCND Triều Tiên phá vỡ sự im lặng trong khoảng thời gian dài bằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới này, bất chấp những cảnh báo cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh, càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng.

Tấn công đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập làm hàng trăm người thiệt mạng

Ngày 24/11, các phần tử tình nghi phiến quân đã dùng bom và súng tấn công vào những người ủng hộ lực lượng an ninh đang tham dự lễ cầu nguyện trong một đền thờ Hồi giáo ở Rawdah, tỉnh Bắc Sinai (Ai Cập), khiến hơn 305 người thiệt mạng và 128 người bị thương.

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên đã cho thấy chủ nghĩa khủng bố đang là mối đe dọa nghiêm trọng nhất và là thách thức lớn nhất hiện nay tại đất nước "Kim tự tháp".

Từng là nạn nhân của làn sóng “Mùa Xuân Arab” năm 2011, song dưới thời Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, tình hình Ai Cập đã phần nào ổn định trở lại. Sau hơn 3 năm cầm quyền, Tổng thống Sisi đã đưa đất nước Ai Cập cơ bản thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực và dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sự nổi lên của chi nhánh tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng tại Bán đảo Sinai cũng như một vài nhóm cực đoan khác đã trở thành mối lo thường trực đối với chính quyền và nhân dân Ai Cập trong những năm gần đây.

Ngay sau vụ tấn công tại đền thờ ở Rawdah, ngày 29/11, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã lệnh cho quân đội và lực lượng cảnh sát nước này lập lại an ninh tại Sinai trong vòng 3 tháng. Ông Sisi cũng nhấn mạnh cần bổ sung lực lượng tinh nhuệ trong công tác tái thiết lập an ninh và ổn định tại đây.

Bất ổn tài chính từ tiền “ảo” Bitcoin

Trong ngày giao dịch 29/11, đồng tiền ảo bitcoin đã lần đầu tiên chạm mốc 11.000 USD/bitcoin, tăng hơn 10 lần kể từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau giá trị của đồng tiền điện tử này đã bốc hơi và giảm xuống còn 9.670 USD/bitcoin, khiến giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu chỉ dừng ở mức 163 tỷ USD.

Những diễn biến này khiến nhiều người lo ngại các loại đồng tiền điện tử như Bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của nền tài chính thế giới. Ngày 30/11, tân Phó Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) phụ trách giám sát Randal Quarles cũng đã đưa ra cảnh báo, trong bối cảnh loại tiền tệ này ngày càng "thịnh hành", nó có thể gây mất ổn định thị trường tài chính thế giới.

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được lưu hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở, được một hoặc một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009, khi đó chỉ đáng giá vài xu Mỹ. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần một tổ chức tài chính trung gian nào. Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không mất phí, Bitcoin ngày càng được chấp nhận.

Theo ông Quarles, nếu việc sử dụng tiền điện tử có chừng mực thì sẽ không gây ra những mối quan ngại lớn. Song sự ổn định của nền tài chính có thể bị đe dọa nếu như người sở hữu gia tăng đầu cơ loại tiền này, dẫn tới tình trạng bong bóng tiền điện tử. Theo ông, hệ thống tài chính sẽ gặp thách thức lớn nếu trong trường hợp rủi ro, không thể thiết lập một tỷ giá hối đoái ổn định với đồng USD. Do vậy, tính ổn định cũng như hoạt động của các loại tiền điện tử hiện vẫn đang là một ẩn số.

Kết quả bốc thăm VCK World Cup 2018

Lễ bốc thăm vòng chung kết World Cup 2018 vừa kết thúc tối 01/12 giờ Việt Nam, với những kết quả đáng chú ý: Tây Ban Nha đại chiến láng giềng Bồ Đào Nha, Anh gặp Bỉ, còn ứng viên vô địch Brazil rơi vào bảng khá dễ chịu.

Sau 30 phút bốc thăm, kết quả chia bảng World Cup 2018 đã được xác định. Mặc dù không có bảng đấu nào thực sự được coi là tử thần, song ngay từ vòng bảng, người hâm mộ vẫn có thể được chứng kiến những trận đấu được chờ đợi rất là hấp dẫn.

Đáng chú ý nhất chính là trận derby bán đảo Iberia tại bảng B giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đây cũng chính là hai nhà vô địch châu Âu gần nhất (Tây Ban Nha năm 2012 và Bồ Đào Nha năm 2016). Đó cũng sẽ là trận đấu mà Cristiano Ronaldo sẽ chống lại những người đồng đội tại Real Madrid như Sergio Ramos, Isco, Marco Asensio,… Trong 35 lần chạm trán trong lịch sử, Tây Ban Nha đang chiếm lợi thế với 16 trận thắng, 13 trận hòa, và chỉ thua có 6.

Cặp đấu đáng chú ý thứ hai sẽ là cuộc đối đầu giữa Anh và Bỉ ở bảng G. Xét về đối đầu, Anh đang vượt trội khi thắng 15 thua 1 trong 21 lần chạm trán, nhưng thực tế, những năm gần đây, Bỉ đã vượt lên mạnh mẽ, để trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu, và hiện xếp trên Anh đến 10 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA. Vô số ngôi sao của Bỉ đã và đang tỏa sáng tại Premier League như Eden Hazard, Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku, Jan Vertongen,… Trận đấu giữa cả hai sẽ giống như một trận đại chiến của Premier League.

Mặc dù không có bảng đấu nào là tử thần, song độ khó dễ của các bảng dĩ nhiên không giống nhau. Đơn cử như nhà đương kim vô địch Đức rơi vào một bảng đấu với nhiều đối thủ khá khó chịu như Thụy Điển (từng loại đội 4 lần vô địch Italy ở vòng play-off), Mexico (số một khu vực CONCACAF), và Hàn Quốc (đội châu Á duy nhất lọt vào bán kết World Cup). Trái lại, Anh ở một bảng khá dễ, với những đối thủ như Tunisia, hay tân binh Panama. Brazil có lẽ cũng không gặp nhiều khó khăn trước Thụy Sĩ, Costa Rica, và Serbia. Kình địch của họ, Argentina, thì có lẽ cần cẩn trọng một chút khi chung bảng với Nigeria, Croatia và Iceland.

Bảng đấu duy nhất không có đội bóng nào được xem là ông lớn là bảng H với những Ba Lan, Colombia, Nhật Bản, và Senegal. Nhưng đó cũng chính là bảng đấu khó lường nhất./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới