Sốp Cộp xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Pu Ngua, xã Nậm Lạnh.

 

Ông Lò Văn Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025”, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xuống cơ sở tìm hiểu các gia đình có điều kiện về vốn, nhân lực để vận động xây dựng mô hình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình. Đồng thời, tổ chức khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, chất lượng cao; thực hiện các mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

 

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng tại bản Phổng, xã Nậm Lạnh; năm 2016, từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ 100 triệu đồng cho 15 hộ trồng 10 ha cây sa nhân tím, sau 2 năm, người dân đã được thu hoạch. Ông Tòng Văn Vinh, một trong những hộ thực hiện mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng cho biết: Từ 1 ha được hỗ trợ năm 2016, đến nay gia đình đã phát triển được hơn 2 ha; năm ngoái cho thu hoạch hơn 1 tấn quả tươi, bán được gần 100 triệu đồng. Trồng sa nhân giữ được độ ẩm cho đất, cỏ dại không mọc được, góp phần bảo vệ và PCCCR.

 

Tiếp tục đến thăm mô hình nuôi nuôi bò sinh sản của HTX Pu Ngua tại bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh; mô hình được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Anh Vì Văn Sơn, Giám đốc HTX chia sẻ: Tháng 9/2019, được Nhà nước hỗ trợ bò giống, tôi đã vận động thành lập HTX với 10 thành viên, đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, trồng 1 ha cỏ gine, cỏ voi để làm thức ăn nuôi bò nhốt. Hiện 10 con bò đang phát triển tốt, trong thời gian tới HTX sẽ tăng quy mô đàn bò lên 30 con.

 

Tìm hiểu được biết, từ năm 2018 đến nay, huyện Sốp Cộp đã triển khai hàng chục mô hình trồng trọt chăn nuôi hiệu quả. Trong đó, điển hình là mô hình nuôi ngựa bạch tại xã Sốp Cộp; mô hình nuôi 27 con ngựa, 34 con bò tại bản Nậm Tỉa, xã Púng Bánh; mô hình mô hình trồng 7.510 cây bưởi Diễn cho 55 hộ của xã Dồm Cang, Púng Bánh; mô hình 7.541 cây bưởi da xanh cho 62 hộ tại xã Mường Và, Mường Lạn; mô hình trồng cam, quýt, quy mô 2,5 ha và mô hình trồng 18 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Nậm Lạnh, Mường Và… Bên cạnh đó, mô hình vườn ươm giống cây lưu vườn, thâm canh cây ăn quả có múi, sơn tra, lúa đặc sản địa phương nếp Mường Và - Sốp Cộp đã được công nhận nhãn hiệu sản phẩm và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Toàn huyện đã có 37 ha cây ăn quả được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, 16 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và đang xây dựng 2 HTX sản xuất theo quy trình VietGAP.

 

Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, huyện Sốp Cộp đang tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cung ứng vật tư cần thiết để thực hiện các mô hình hiệu quả. Vận động thành lập các HTX, các tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá trị sản xuất.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới