Sốp Cộp: Vẫn còn nỗi lo ma túy học đường

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Sốp Cộp xuất hiện nhiều trường hợp các đối tượng tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy ở lứa tuổi vị thành niên. Còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà không ít học sinh lại vướng vào vòng lao lý; không những đánh mất quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời, mà còn để lại nỗi đau, niềm day dứt cho gia đình và xã hội...

Một dãy nhà trọ của học sinh ở bản Pe, xã Sốp Cộp.

Muôn nẻo ma túy học đường

Ngồi trong phòng hỏi cung của Công an huyện Sốp Cộp, đôi tay Hạng A Do (trú bản Huổi Pá, xã Mường Lạn) bị khóa chặt bởi chiếc còng số 8. A Do bị bắt ngày 11/10/2017 khi đang mang trong người 15 viên ma túy tổng hợp. Tại cơ quan điều tra, A Do khai đã lấy 600 nghìn đồng của bố mẹ để “chơi” ma túy. Khuôn mặt non nớt của cậu bé 17 tuổi (học sinh lớp 11, Trường THPT Sốp Cộp) dường như chẳng có chút sợ hãi, bởi vẫn chưa nhận thức rõ ràng về hành vi phạm tội của mình. Rồi Lò Văn Mạnh (bản Nà Mòn, xã Mường Và), cũng là học sinh lớp 11, bị bắt hồi tháng 6/2017 vì mang 20 viên ma túy tổng hợp và phải chịu mức án 18 tháng tù giam. Mạnh khai, vì nghiện chơi game, từng bị ngất xỉu vì chơi game xuyên đêm, có người mách sử dụng ma túy sẽ khỏe lại, vậy là Mạnh đi mua và bị công an bắt quả tang. Đáng tiếc nhất là Hạng A Ư (bản Co Hạ, xã Mường Lạn), một trong những học sinh giỏi của Trường THPT Sốp Cộp, bị bắt năm 2016 khi đang học lớp 11. Theo lời khai của Ư, trong khi đi xát thóc, có người bảo dùng ma túy điều trị dịch cúm gà rất hiệu quả, thế là Ư đi mua 6 viên ma túy tổng hợp để làm thuốc chữa cho đàn gà của nhà. Thiếu hiểu biết, A Ư đã đánh mất khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò để chịu mức án 14 tháng tù giam...

Qua tìm hiểu được biết, gần đây một số đối tượng xấu chuyên buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã lợi dụng các em học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông vận chuyển ma túy cho chúng. Là người tham gia phá nhiều vụ án ma túy, trong đó có những vụ liên quan đến các đối tượng ở tuổi vị thành niên, Đại úy Đinh Đức Hùng, Tổ trưởng Tổ ma túy (Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Sốp Cộp) cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ gia đình, nhất là những gia đình có dấu hiệu phức tạp về ma túy, hôn nhân... Mặc dù Công an huyện đã phối hợp với các nhà trường tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng chống ma túy; tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét các đối tượng tội phạm về ma túy, song từ đầu năm đến nay, Công an huyện Sốp Cộp đã phát hiện và phải xử lý hình sự và hành chính 8 đối tượng đang học tại Trường THPT Sốp Cộp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, 10 đối tượng khác là học sinh đã bỏ học.

Cũng theo Đại úy Hùng, khi cơ quan Công an đến làm việc với nhà trường nơi có học sinh vi phạm thì các giáo viên hoàn toàn bất ngờ. Theo nhận xét của các thầy giáo, cô giáo, hầu hết các em liên quan đến ma túy thường học rất yếu, hay bỏ học, gia đình lại rất xa, khó liên lạc để cùng phối hợp giáo dục. Tệ hơn, có nữ sinh còn đi kiếm tiền mua ma túy về cho bạn trai; một số em được bố mẹ mua xe máy để tự đến trường thì bán hoặc cắm xe; thậm chí gạo được hỗ trợ theo chế độ bán trú cũng bán để mua ma túy.

Cần tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình - nhà trường - xã hội

Trên địa bàn xã Sốp Cộp hiện tại có khá nhiều nhà trọ, phần lớn được dựng lên ở những khu hẻo lánh, học sinh tới trọ chủ yếu ở các xã khá xa trung tâm huyện như Mường Lèo, Mường Lạn, Púng Bánh, Sam Kha... Cũng bởi vậy, phần lớn các em thiếu sự quan tâm của bố mẹ, không ít phụ huynh thì không biết con em mình sinh hoạt, học tập như thế nào, mọi chuyện phó mặc cho nhà trường.

Chúng tôi chứng kiến học sinh nhậu nhẹt đến tận khuya ở các quán xá. Thậm chí, trong những ngày đi học các em cũng nhậu. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu đã dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục để các em sử dụng ma túy, lệ thuộc vào ma túy và nhập vào đường dây cung cấp, vận chuyển ma túy. Theo số liệu của Trường THPT Sốp Cộp, năm học 2016-2017, có 76 học sinh bỏ học (21 em học lực yếu kém, 25 em hoàn cảnh khó khăn, 30 em lập gia đình sớm và nguyên nhân khác).

Thầy giáo Lường Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Sốp Cộp chia sẻ một thực tế: Toàn trường có 1.125 học sinh, thì có 909 em được hưởng chế độ bán trú. Nhà trường có ký túc xá, nhưng chỉ dung nạp được khoảng 130 em, hiện tại cũng chỉ có 94 em ở trong ký túc xá. Nhà trường mới vận động học sinh vào sinh hoạt bán trú được 3 năm nay nhưng năm nào cũng chỉ vận động được khoảng 90 em. Những em học sinh không muốn vào ở ký túc xá chỉ bởi ở bên ngoài thoải mái, tự do hơn. Nhà trường cũng không thể nắm chính xác số học sinh đang trọ ở ngoài hay ở nhà. Việc quản lý học sinh càng khó khăn hơn vì nhà trường không có chức năng kiểm tra học sinh ở các quán game, karaoke...

Trao đổi với ông Vì Văn Thương, Trưởng Công an xã Sốp Cộp được biết, ở xã có 6 quán karaoke, 14 quán game, còn số học sinh ở trọ trên địa bàn thì không thể nắm được cụ thể, vì có nhà trọ người dân dựng lên như những cái lán rồi cho thuê, số khác lại cho học sinh trọ tại nhà dân, ăn uống các cháu ra quán, mua thức ăn sẵn chứ không tự nấu... Xã đang triển khai ký cam kết với các chủ nhà trọ về đảm bảo an ninh trật tự ở khu trọ.

Thêm nữa, chúng tôi được biết, ngoài 15 kg gạo được hỗ trợ theo chế độ bán trú, các em còn được nhận 650 nghìn đồng/tháng. Có tiền, có gạo lại thiếu sự giám sát, quản lý nên các em dễ sa vào môi trường không lành mạnh.

Sự buông lỏng quản lý của gia đình, thiếu sự giám sát chặt chẽ của nhà trường, sự vào cuộc chưa đồng bộ của chính quyền, lực lượng chức năng nơi có học sinh ở trọ... là những lỗ hổng để ma túy thâm nhập học đường. Nhưng dù là nguyên nhân nào chăng nữa, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà trường và gia đình cần vào cuộc quyết liệt hơn, thường xuyên hơn để trả lại môi trường học tập lành mạnh cho các em học sinh, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Tân binh trên thao trường

    Tân binh trên thao trường

    QP - AN - ĐN -
    Sau hơn 1 tháng nhập ngũ, các tân binh tại Tiểu đoàn I, Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh chững chạc hơn so với ngày đầu nhập ngũ. Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng như kỷ luật quân đội được thực hiện nền nếp, chính quy hơn.
  • 'Phê phán thói vô cảm, “vì dân suông” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

    Phê phán thói vô cảm, “vì dân suông” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

    Một trong những biểu hiện suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là: “Không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân”; “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
  • 'Triệu trái tim cùng hướng về đất Tổ

    Triệu trái tim cùng hướng về đất Tổ

    Văn hoá - Xã hội -
    Nước Việt Nam ta có một di tích lịch sử được các nhà sử học đánh giá là “siêu di tích” - đền thờ 18 đời Vua Hùng, nằm ở vùng đất trung du Phú Thọ - “đất Tổ” của trăm họ dân Việt trên khắp thế giới. Mồng Mười tháng Ba âm lịch, nếu không thể trực tiếp hành hương thắp nhang cúng Tổ thì người Việt Nam mọi miền cùng hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì) bái vọng chốn linh thiêng, đó là nơi khởi đầu cho sự mở mang một quốc gia có hàng nghìn năm văn hiến…
  • 'Xây dựng nông thôn mới thông minh

    Xây dựng nông thôn mới thông minh

    Chuyển đổi số -
    Duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
  • 'Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

    Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

    VẤN ĐỀ HÔM NAY -
    Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, nhận thức của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng được nâng lên. Vai trò của đội ngũ báo cáo viên được phát huy, hoạt động đi vào nền nếp, luôn bám sát cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác tuyên truyền miệng, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • '“Dân vận khéo” ở Ban CHQS Mường La

    “Dân vận khéo” ở Ban CHQS Mường La

    Xây dựng Đảng -
    Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Ban CHQS huyện Mường La tích cực triển khai các hoạt động dân vận giúp nhân dân, tạo mối quan hệ gắn bó, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
  • 'Đảm bảo an ninh kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

    Đảm bảo an ninh kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

    An ninh trật tự -
    Với phương châm: “An ninh chủ động”, “Phát triển phải đi đôi với bảo vệ kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia”, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh luôn chủ động phát hiện những bất cập, sơ hở, kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Giám đốc Công an tỉnh các biện pháp giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế tại địa phương.
  • 'Phát triển phong trào văn nghệ trong trường học

    Phát triển phong trào văn nghệ trong trường học

    Văn hoá - Xã hội -
    Huyện Sốp Cộp luôn quan tâm đến các phong trào văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và sân chơi lành mạnh cho học sinh tại các trường học trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
  • 'Một thời hoa lửa

    Một thời hoa lửa

    70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Văn Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu 2, hiện đang sinh sống ở tiểu khu Bệnh viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, vẫn nhớ ký ức một thời hoa lửa cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.