Sốp Cộp chủ động phòng, chống thiên tai

Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, trong 2 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã xuất hiện nhiều đợt mưa to, kéo dài, kèm theo gió lốc; đã làm một người chết do lũ cuốn trôi, làm nhiều công trình, tài sản của nhân dân bị hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường triển khai các biện pháp, phương án với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

                                       

Thi công kè chống sạt lở khu đất Nà Tơ, xã Sốp Cộp.

             

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét là các bản ở hạ lưu của 8 con suối chảy qua địa bàn các xã Nậm Lạnh, Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lạn, Mường Lèo, Sam Kha. Riêng xã Sốp Cộp là nơi hợp nhất của 3 con suối nên nguy cơ cao bị ngập lụt trong mùa mưa lũ. Những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, như Bệnh viện Đa khoa huyện, bãi chôn lấp xử lý rác thải tại bản Nó Sài, xã Sốp Cộp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

             

Púng Bánh là xã có nhiều khe suối nhỏ đổ dồn về suối Nậm Ban chạy qua địa bàn xã, nên có nguy cơ cao về ngập úng, lũ quét và sạt lở đất. Điển hình trong đợt mưa lũ đợt tháng 5 và 6 vừa qua, trên các con suối nước dâng cao, chảy siết đã cuốn trôi làm 1 người chết tại bản Liềng; 16 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở và làm ngập lúa và hoa màu của người dân. UBND xã đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ, giúp các hộ dân khắc phục, sửa chữa nhà ở, đề xuất với UBND huyện hỗ trợ kinh phí di dời khẩn cấp 2 hộ ra khỏi vùng sạt lở về nơi an toàn, hiện vẫn còn 10 hộ đang trong vùng nguy cơ cao sạt lở. Đồng thời, khẩn trương rà soát các bản, các hộ có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai gây ra trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các giải pháp ứng phó với thiên tai khi xảy ra mưa lũ.

             

Ông Tòng Văn Nghịch, Chủ tịch UBND xã Púng Bánh, cho biết: Xã đã phân vùng, xác định địa bàn trọng điểm có thể xảy ra lũ quét, ngập úng khi có mưa lũ, có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh kịp thời đến cộng đồng dân cư; sẵn sàng huy động người và phương tiện tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, củng cố lực lượng tình nguyện, xung kích trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với nòng cốt là dân quân và đoàn thanh niên...

             

Ông Lường Văn Định, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo UBND các xã chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để di dời nhà ở của người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân; cắm biển cảnh báo vùng thường xuyên xảy ra có lũ quét, sạt lở đất để nhân dân được biết. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và cảnh giác, chủ động tự phòng tránh thiên tai.

             

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lũ, gió lốc đã làm 1 người chết, làm hư hỏng, thiệt hại nhiều công trình và tài sản, thiệt hại gần 6 tỷ đồng. Huyện đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ triển khai khắc phục; giúp các hộ tháo dỡ, di chuyển đồ đạc đảm bảo an toàn về người và tài sản, ổn định cuộc sống của nhân dân. Chỉ đạo UBND các xã tổ chức di dời nhân dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn trước mùa mưa lũ năm 2022.

             

Sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống thiên tai, huyện Sốp Cộp tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ; kiểm tra và cảnh báo an toàn hành lang lưới điện, hành lang giao thông, các công trình đập thủy lợi, cây xanh ở các khu công sở, trường học, bệnh viện, cụm dân cư... Khẩn trương sửa chữa và gia cố các công trình thủy lợi xung yếu trước mùa mưa lũ. Chuẩn bị các phương án dự trữ vật tư, nhu yếu phẩm khác, đưa hàng hóa vào các điểm dự trữ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa phục vụ cho công tác PCTT trước mùa mưa lũ. Đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, giao thông thi công vượt lũ; kiểm tra khôi phục, gia cố các cầu treo dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông đi lại của nhân dân trong mùa mưa lũ... hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão xảy ra.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới