Song Pe chuyển đổi cây trồng trên nương

Xã Song Pe (Bắc Yên) là xã vùng ven sông Đà, song phần lớn đất sản xuất nông nghiệp là nương dốc, trước đây, bà con trồng ngô và một số loại cây lương thực ngắn ngày khác, năng suất thấp. Những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cây trồng, màu xanh của các loại cây ăn quả đã từng bước đem lại thu nhập cho nhân dân.

Người dân bản Pe, xã Song Pe (Bắc Yên) chăm sóc cây ăn quả trồng trên nương.

Song Pe hiện có trên 1.000 ha đất nương, bởi đã thâm canh nhiều năm, đất đai bị xói mòn, bạc màu..., nên năng suất ngô chỉ đạt 4 tấn bắp/ha, sản lượng các loại cây trồng khác cũng kém, thu nhập của người dân rất bấp bênh nếu không nói là thấp. Nhận thấy trồng ngô không hiệu quả, người dân trong xã, người thì trồng thay thế cây sắn cao sản, nhiều người khác lại chọn cách đi làm thuê ở Mai Sơn, Yên Châu hoặc làm công nhân một số khu công nghiệp...

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, xã Song Pe đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân các bản chuyển diện tích trồng ngô, hoa màu kém năng suất, sản lượng sang trồng cây ăn quả, kết hợp thực hiện các biện pháp cải tạo đất; phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân làm đường đồng mức trên nương; bón lót cho đất trước vụ gieo trồng; sau khi thu hoạch không đốt các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, sắn tại nương, mà xếp ngang trên đường đồng mức, vừa tránh cho đất không bị rửa trôi, vừa bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho đất, phục vụ cho vụ gieo trồng tiếp theo.

Để thuyết phục được người dân học và làm theo lối canh tác mới, xã tổ chức cho một số hộ dân đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu... Đồng thời, vận động 10 hộ dân tiên phong trồng các loại xoài, nhãn... trên đất dốc, cải tạo trên 100 ha đất nương, vườn tạp; vận động, hướng dẫn các hộ dân trong xã liên kết thành lập HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Trấn Yên. Trao đổi với chúng tôi về việc chuyển đổi cây trồng trên nương, bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, cho hay: Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất dốc rất phù hợp với nguyện vọng của bà con; thêm nữa, chính kết quả thu được của các hộ tiên phong trồng cây ăn quả trên đất dốc đã thuyết phục được nhiều hộ khác làm theo. Đến nay, Song Pe đã chuyển đổi 220 ha đất nương sang trồng nhãn chín muộn, xoài Đài Loan (Trung Quốc), tập trung ở các bản Pe, Mong, Ngậm và Chanh. Qua 5 vụ thu hoạch, đạt sản lượng trung bình trên 3.000 tấn/vụ, giá bán khá ổn định (nhãn 10-15 nghìn đồng/kg quả; xoài 15-20 nghìn đồng/kg)..., đã thuyết phục bà con yên tâm duy trì và mở rộng diện tích cây ăn quả trên đất nương.

Để tìm hiểu kỹ hơn việc người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, chúng tôi đến gia đình ông Đinh Văn Thuận (bản Pe), một trong số những hộ thực hiện ghép mắt nhãn, cải tạo vườn tạp từ đầu năm 2014. Hiện, gia đình ông Thuận có 1,2 ha cây nhãn đã cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi tham quan đồi nhãn đang kỳ ra hoa rộ, ông Thuận chia sẻ: Trước đây, đồi nhãn nhà tôi chỉ tự ra hoa, ra quả chứ không được chăm bón, vì chỉ để phục vụ sinh hoạt, cây trồng chủ yếu là ngô và sắn. Sau khi đi tham quan về, tôi tiến hành ghép nhãn, chăm sóc theo kỹ thuật đã được hướng dẫn để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Ngay vụ bói quả đầu tiên, tôi thu hoạch 20 tấn nhãn quả, thu về trên 300 triệu đồng. Chắc chắn những vụ sau sản lượng sẽ cao hơn. Tôi đang dự tính sẽ trồng thêm bưởi trên diện tích nương để đa dạng hóa sản phẩm.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc không còn là chuyện mới ở Song Pe. Tuy nhiên, bà con rất mong được các cấp, các ngành hỗ trợ, giúp đỡ thêm về nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống nước tưới; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc để bà con sớm làm chủ kỹ thuật, chủ động trong sản xuất. 

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới