Sông Mã đẩy mạnh công tác xóa mù chữ

Có mặt tại lớp xóa mù chữ ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Huổi Một, chúng tôi thấy lớp có 23 học viên nữ, từ 15-30 tuổi đến từ bản Kéo, Nà Hạ, Cánh Kiến. Các học viên đang chăm chú nghe giáo viên giảng bài, những nét chữ còn nguệch ngoạc, nhưng tôi hiểu, các chị đang cố gắng để “lấy con chữ” về cho bản thân.

 

Lớp xóa mù chữ cho phụ nữ tại Trường PTDT bán trú tiểu học xã Huổi Một (Sông Mã).

 

Tiếng trống hết tiết, nhưng các chị không ra ngoài mà ngồi lại để trao đổi bài với nhau. Năm nay đã 28 tuổi, nhưng đây là lần đầu chị Vì Thị Hậu, bản Cánh Kiến được đến lớp, được cầm bút để viết chữ. Cầm quyển sách tiếng Việt 1 trên tay, chị Hậu thủ thỉ: Trước gia đình khó khăn, 4 anh chị em nhà tôi không ai được đến lớp, nên đều không biết chữ. Bởi thế, khi làm các giấy tờ, tôi đành điểm chỉ thôi. Đến lớp học được một tuần, tôi đã có thể đọc và viết được. Vui lắm!. Còn chị Lò Thị Iêng (bản Kéo), trước đây do tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên đã 3 con mà chị không được đến lớp. Khi có thông báo của Chi hội Phụ nữ bản về việc đăng ký học lớp xóa mù chữ, chị đăng ký đi học ngay. Bây giờ thì đã viết được chữ, làm tính. Vui nhất là đã biết viết chữ, đọc tên của mình.

Thầy giáo Lê Văn Giới chia sẻ: Là người được phân công trực tiếp giảng dạy, tôi thấy các học viên đều rất chăm chỉ. Nhiều học viên chỉ đi học 2 đến 3 buổi đã nhận biết được hết mặt bảng chữ cái và ghép được âm vần. Lớp học xóa mù chữ dạy trình độ lớp 1,2,3. Lớp học này được khai giảng từ tháng 9/2017 với 23 học viên. Đến bây giờ, các học viên đều nghe, đọc và viết thành thạo. Chúng tôi bố trí lịch học phù hợp, thời gian nông nhàn sẽ học vào ban ngày, còn khi vào vụ thì chuyển sang học tối.

Ông Nguyễn Chí Chung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ rà soát danh sách phụ nữ, trẻ em gái đăng ký học lớp xóa mù chữ; chỉ đạo các trường tiểu học phân công cán bộ, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ; hỗ trợ đối với những người học và những người tham gia dạy xóa mù chữ; cung cấp tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ. Năm 2017, phòng đã phối hợp mở 13 lớp xóa mù chữ và 2 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 1.922 học viên tại xã Chiềng Phung, Yên Hưng, Nặm Mằn, Đứa Mòn, Bó Sinh, độ tuổi từ 15 - 60 tuổi. Năm 2018, mở 7 lớp xóa mù chữ với 292 học viên tại các xã Pú Pẩu, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Huổi Một. Qua đánh giá, đến nay, 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Ngoài bố trí kinh phí theo chính sách của tỉnh hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi trên địa bàn; Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, huyện còn huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để triển khai công tác xóa mù chữ.

Để thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, rất mong cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; có chính sách thu hút giáo viên tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới