Song Khủa đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Xã Song Khủa (Vân Hồ) hiện có trên 1.150 ha đất nông nghiệp, chiếm 22,5% tổng diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, người dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân xã Song Khủa (Vân Hồ) sử dụng máy làm đất trong sản xuất nông nghiệp.

Để từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xã Song Khủa đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh việc ứng dụng các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện khuyến khích nông dân vay vốn mua sắm máy móc phục vụ sản xuất; triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình hỗ trợ người dân sản xuất. Riêng năm 2019, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 24 máy xới đất cho 24 hộ nghèo, cận nghèo của xã. Qua thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có hơn 200 máy xới đất, 5 máy gặt đập liên hợp, 35 máy cày, gần 200 máy xay xát sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và trên 1.000 các loại máy sản xuất trong nông nghiệp khác, như: Máy bơm, máy phun, máy nghiền cỏ... Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp của nông dân trong xã hiện chiếm khoảng 80%, các loại máy móc nông nghiệp trên địa bàn đã hỗ trợ rất lớn cho nông dân trong sản xuất. Bên cạnh đó, xã còn tăng cường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng các mô hình liên kết phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Hiện tại, xã đã hình thành các các vùng phát triển kinh tế nông nghiệp thế mạnh của địa phương như việc quy hoạch phân vùng sản xuất lúa với diện tích 218 ha, vùng sản xuất ngô hàng hóa 700 ha, vùng trồng cây gai xanh 18 ha và hơn 180 ha cây ăn quả các loại...

Nếu như trước đây, nông dân xã Song Khủa phải mất rất nhiều thời gian và huy động lực lượng lao động lớn để thực hiện các khâu: Cày, xới đất, gặt lúa thủ công, đào hố trồng cây... thì nay, hầu hết các công đoạn được ứng dụng cơ giới hóa, nông dân không phải mất nhiều công sức. Cùng với đó, đàn trâu, bò tại xã không còn được dùng làm công cụ cày kéo trong sản xuất, mà chủ yếu người dân nuôi để tăng đàn, làm hàng hóa thương phẩm và buôn bán tăng thu nhập cho gia đình. Theo anh Đinh Hồng Văn, cán bộ khuyến nông xã Song Khủa, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất từ 10 - 20% trên 1 đơn vị diện tích, giảm được chi phí từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ, vừa tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công truyền thống.

Việc đưa cơ giới hóa được thực hiện trong nhiều khâu trong sản xuất lúa ruộng. Vụ xuân năm nay, xã Song Khủa gieo cấy trên 200 ha lúa, với các giống chủ yếu như: Lúa tẻ Nghi Hương, VT404, nếp N87, N97, lúa thuần nếp cái hoa vàng, tẻ râu, tẻ mèo... tập trung ở các bản Lóng Khủa, Tà Lạc, Tàu Dàu, Co Hó, bản Un. Hình ảnh quen thuộc “con trâu” và “cái cày” đã dần được thay thế bằng những chiếc máy phay đất, máy làm đất hiện đại. Gia đình ông Ngần Văn Phú, bản Tà Lạc, có hơn 2.500 m² đất trồng lúa tẻ râu. Nếu như dùng sức trâu để cày, bừa gia đình ông phải mất 6 ngày làm đất liên tục mới kịp thời vụ. Qua tuyên truyền, vận động và được tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, năm 2016, ông Phú đã mạnh dạn đầu tư mua máy làm đất để phục vụ sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, mỗi khi mùa vụ đến, gia đình ông chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành các khâu làm đất. Sau khi làm đất của gia đình mình xong, ông còn nhận làm đất cho các hộ gia đình khác ở trong và ngoài bản. Bằng hình thức này, sau mỗi mùa vụ cũng giúp gia đình ông có một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống. 

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Song Khủa không những đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ. Tạo tiền đề quan trọng cho địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững, xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Qua đó, giúp người nông dân cải thiện đời sống, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới