Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 5: Niềm tin và động lực

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, với chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân, tỉnh Sơn La đã nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp thêm niềm tin, sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện khát vọng vươn xa.

 Tỉnh Sơn La khai trương Sàn giao dịch truy xuất nguồn gốc nông sản.

Thời cơ và vận hội mới

Nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Trung ương đã dành nhiều thời gian đi kiểm tra, khảo sát một số dự án trọng điểm của tỉnh Sơn La và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La; lắng nghe những ý kiến của người nông dân. Đây là tình cảm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La, tiếp thêm động lực cho tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển.

Về nông nghiệp Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đánh giá những thành quả vượt bậc, nhưng vẫn cho rằng còn nhiều khó khăn thách thức, đó là: Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe... Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Sơn La tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết các vấn đề như: Xây dựng thương hiệu; vấn đề quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Lễ khởi hành tiêu thụ, xuất khẩu xoài năm 2022.

Theo đó, Thủ tướng đã quan tâm, tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông chính là tạo thêm động lực thúc đẩy kết nối vùng miền, liên thông hàng hóa, nhất là tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ngày 17/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận số 176/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La. Cụ thể, về kiến nghị đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (từ km53+00 đến cuối tuyến, thuộc địa phận tỉnh Sơn La). Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc như đề nghị của tỉnh Sơn La về việc đầu tư đoạn tuyến này theo hình thức đầu tư công và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản dự án theo các quy định hiện hành. Đối với đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu - thành phố Sơn La, Thủ tướng giao UBND tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất việc tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tiến độ đến năm 2030 hoàn thành tuyến đường theo mục tiêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị liên quan để quán triệt, triển khai, thực hiện, nhất là việc triển khai các bước đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đầu tư tuyến cao tốc từ Mộc Châu - thành phố Sơn La; đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản; mở rộng, nâng cấp công suất nhà máy Thủy điện Sơn La; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; triển khai thực hiện Khu du lịch quốc gia Mộc Châu...

Khát vọng vươn xa

Tiềm năng lợi thế của tỉnh về diện tích đất nông nghiệp lên tới 408.970 ha, chiếm 28,98% diện tích đất tự nhiên, có 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây công nghiệp; có 40.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022

Sơn La đã trở thành “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước khi được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; giải quyết những khó khăn, các vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, cho doanh thu từ 200 - 800 triệu đồng/ha trở lên. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng; đây là tiền đề, là lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La; tiếp tục khẳng định phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lựa chọn đúng đắn để xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững đối với tỉnh miền núi Tây Bắc.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản
tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời dưới ánh sáng của Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, Sơn La triển khai quyết liệt để trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, tỉnh Sơn La đã xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh, bảo gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nguyên liệu; các phương án phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh làm cơ sở cho phát triển bền vững; phát triển công nghiệp gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng logistics thuận lợi.

Tỉnh Sơn La làm việc với các đơn vị về xúc tiến tiêu thụ nông sản của địa phương

Khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với các cơ sở chế biến, bảo quản, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp, đặc biệt là phát huy vai trò của HTX trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở chế biến. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường trong sản xuất, quảng bá, kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện có (Vinamilk, chè, cà phê, chăn nuôi...).

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có uy tín, năng lực mang tầm quốc gia, quốc tế đến Sơn La xây dựng các nhà máy chế biến gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho bảo quản. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với xây dựng các chuỗi liên kết ngang, dọc với quy mô và hình thức liên kết đa dạng, phù hợp với từng sản phẩm, từng địa phương: Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Nông dân - HTX - Doanh nghiệp chế biến; liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà Băng; liên kết giữa các nhà máy chế biến; liên kết giữa Doanh nghiệp chế biến với tập đoàn phân phối, xuất khẩu,...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo WinMart hỗ trợ tiêu thụ nông sản Sơn La.

Năm nhóm giải pháp tập trung triển khai, đó là: Thứ nhất: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh, trong đó có mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thứ hai, thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách toàn diện, trọng tâm là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa; rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, các quy trình, thủ tục đầu tư, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng đầu tư quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến, các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm logistics,... Thứ ba, tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp chế biến nông sản: đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện, nước, giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh mang tính kết nối cao như: các tuyến đường đến trung tâm các xã, các vùng nguyên liệu, đến các khu, cụm công nghiệp, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sân bay Nà Sản... Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu của sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, chăm sóc, bảo quản); trong chế biến, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thứ năm, tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung bền vững theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”), lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng vùng, từng huyện, thành phố. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trọng tâm của tỉnh Sơn La là xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất chế biến trên địa bàn tỉnh, giao thương xuất khẩu nông sản giữa các tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới và củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trung tâm giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản. Thu hút các tập đoàn, công ty “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư vào tỉnh, góp phần chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; gắn kết các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - HTX - nhà doanh nghiệp.

Kinh nghiệm và bài học quý báu về sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh với tư duy khoa học về phương pháp lãnh đạo, cách thức tổ chức quản lý, triển khai hiệu quả; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nhân dân; lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực và mục tiêu cho sự phát triển; các hoạt động hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân...

Khách hàng tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản an toàn Sơn La tại thành phố Hà Nội.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tự tin để thực hiện khát vọng vươn xa: "Xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; đến năm 2030 đưa tỉnh Sơn La trở thành trung tâm vùng Tây Bắc; xây dựng thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chung sức, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, đi lên cùng cả nước.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới