Số hóa trong quản lý, đào tạo nghề

Những năm qua, Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La không ngừng đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý, đào tạo nghề, tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Thực hiện quản lý hồ sơ đầu vào bằng phần mềm quản lý học sinh, sinh viên tại Khoa Đào tạo (Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La).

 

Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La có 5 phòng, 6 khoa, trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa trong công tác đào tạo, quản lý. Hiện, trường đã triển khai ứng dụng quản lý học sinh, sinh viên trong đào tạo lái xe liên thông trực tiếp với dữ liệu Tổng Cục đường bộ Việt Nam; quản lý văn bằng chứng chỉ trên phần mềm; triển khai tuyển sinh trực tuyến thông qua UBND các xã và dạy học trực tuyến ngay tại trường với các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin và các môn chung trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, trường đã triển khai các ứng dụng phần mềm trong quản lý văn bản, tài chính kế toán, giao dịch BHXH điện tử, quản lý tài sản công, thanh toán điện tử trên dịch vụ công.

Tại Phòng Đào tạo của nhà trường, chứng kiến việc làm thủ tục thu nhận hồ sơ cho các học viên đào tạo bằng lái xe ô tô, xe máy hạng A1. Sau khi kiểm tra các giấy tờ cần thiết, cán bộ nhập thông tin học viên vào phần mềm, thực hiện chụp ảnh chân dung trực tiếp, quét vân tay đăng ký, mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng. Chị Lò Thị Trang, bản Bó, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, nói: Thủ tục làm hồ sơ được đăng ký cập nhật luôn vào hệ thống máy tính nên rất nhanh chóng.

Anh Cao Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: Nhà trường đã triển khai phần mềm Quản lý học viên học lái xe từ năm 2012, rất thuận lợi, giúp số hóa hồ sơ đầu vào, dữ liệu được chuyển trực tiếp đến Sở Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mà không phải báo cáo bằng giấy như trước nữa, tránh tình trạng sửa đổi hồ sơ. Đồng thời, phần mềm tích hợp điểm danh bằng công nghệ quét vân tay nên quản lý tốt thời gian đào tạo của học viên, chỉ khi nào học viên học đủ thời gian thì mới xuất được danh sách để thi, sát hạch. Hồ sơ văn bằng, chứng chỉ của học viên cũng được quản lý bằng phần mềm, rất thuận tiện trong việc tìm kiếm, tránh sai sót thông tin.

Khoa vận hành ô tô, máy xúc đào tạo lái xe đã được nhà trường đầu tư 3 cabin điện tử, sử dụng máy tính tạo môi trường giả lập để các học viên làm quen các thao tác lái xe. Thầy giáo Nguyễn Sơn Hà, cho biết: Các học viên được lái xe trên nhiều hệ thống đường giả lập với các điều kiện thời tiết khác nhau, như đường ban ngày, ban đêm, nội thị, cao tốc, trong các điều kiện đường trơn trượt, trời mưa, trời nắng... với đầy đủ các loại xe khác nhau, từ xe con đến xe đầu kéo rơ moóc...

Còn Khoa Điện - Điện tử cũng được đầu tư thiết bị giảng dạy hiện đại, với đầy đủ các mô hình, như học lập trình PLC cho điện công nghiệp, mô hình điều khiển điện, mô hình đèn giao thông, mô hình thang máy, giúp học viên được thực hành như trên thực tế, có kỹ năng xử lý nhiều tình huống phát sinh. Thầy giáo Nguyễn Khắc Khôi, chia sẻ: Ngoài chú trọng dạy học viên kỹ năng thực tế, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng, tạo việc làm cho học viên ngay từ khi đang học.

Vừ A Páo, ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, là sinh viên năm cuối lớp cao đẳng điện công nghiệp, cho biết: Ở đây, sinh viên vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành trên các mô hình như thực tế, rất dễ hiểu và có kinh nghiệm áp dụng vào thực tế.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường hiện đang đào tạo 5 chuyên ngành cả hệ cao đẳng và trung cấp, với hơn 800 học sinh, sinh viên, gồm: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, xây dựng, hàn. Hệ sơ cấp, gồm đào tạo lái xe ô tô, máy xúc, với hơn 1.000 học viên/năm. Ngoài ra, còn đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, như vận hành máy thủy điện, sửa chữa máy nông nghiệp. Đào tạo ngắn hạn gồm nâng hạng bằng lái xe ô tô và bằng lái xe máy hạng A1, từ 7.000-8.000 học viên/năm...

Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Sơn La tiếp tục đầu tư, số hóa trong công tác quản lý, đào tạo nhằm giúp học sinh, sinh viên dễ tra cứu. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy hiện đại để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu lao động của địa phương.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới