Sẽ xử lý thỏa đáng vụ gian lận điểm thi

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra chiều tối ngày 2/4, lãnh đạo các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ đã giải đáp nhiều vấn đề nóng liên quan đến ngành giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Ảnh: VA

Các đề tài được công nhận không có dự án nào trùng lắp

Một câu hỏi đặt ra liên quan đến cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đây là 1 trong 3 cuộc thi quan trọng của Bộ GD&ĐT vì kết quả sẽ được ưu tiên trong việc tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, trong cuộc thi năm nay có hơn 50 đề tài vi phạm quy chế, 2 đề tài vi phạm quy chế được Giải nhất. Vậy Bộ GD&ĐT đã xử lý việc này đến đâu?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay đây là cuộc thi khuyến khích học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, nhằm đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng tích cực hơn. Về việc có một số dự án vi phạm quy chế, trong quá trình thẩm định hồ sơ, có sự sao chép. Sau khi kết thúc cuộc thi, Hội đồng thẩm định, các nhà khoa học trực tiếp xem lại, rà soát lại xem có trùng lắp không? Đến giờ phút này xin khẳng định, các đề tài được công nhận không có dự án nào trùng lắp, tên đề tài có thể giống nhau nhưng phương thức, cách làm học sinh có sự sáng tạo, nội dung bên trong thì không bị trùng.

“Xin khẳng định các đề tài cho đến giờ phút này đã đảm bảo đúng quy chế và được công nhận theo tinh thần như vậy”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin thêm: Về đánh giá kết quả thi, Bộ GD&ĐT đã rất tích cực đổi mới, đảm bảo sự công bằng trong kỳ thi bằng cách đổi chéo toàn bộ các giám khảo. Trước kia chấm cho các hội đồng thi ở miền Nam thì chuyển ra Bắc chấm. Giáo viên ở miền Bắc thì lại vào TPHCM chấm cho những đề tài từ miền Nam. Việc đổi chéo này để các giáo viên không trực tiếp hướng dẫn cho học sinh, không liên quan đến các dự án. Và 100% giám khảo được chọn từ các trường đại học là các tiến sĩ, nhà khoa học, có học hàm giáo sư, phó giáo sư…

“Họ có tự hào nghề nghiệp nên chắc chắn đều chấm thi rất nghiêm túc. Việc đánh dấu các dự án chỉ là phương thức trong quá trình trình bày hồ sơ. Chúng tôi đánh giá trực tiếp qua các phần thi. Tôi khẳng định, các nhà khoa học trực tiếp chấm thi đều thực hiện nghiêm túc quá trình này”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ.

Sẽ xử lý thỏa đáng vụ gian lận điểm thi

Trước thắc mắc liệu Bộ Công an có công bố danh tính phụ huynh và học sinh trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La và cả vụ ở Hà Giang trước đó không? Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam chia sẻ: Việc này ảnh hưởng đến tư cách, đến sự phát triển sau này của các em học sinh nên chúng tôi đang trao đổi kỹ với Bộ GD&ĐT, với địa phương hướng xử lý như thế nào để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo tính nhân văn với các cháu học sinh.

“Chúng tôi sẽ có cách xử lý thoả đáng đảm bảo tính nghiêm túc chấp hành pháp luật nhưng cũng vẫn quan tâm tới các cháu học sinh”- Thứ trưởng Bùi Văn Nam nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đối với việc xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thủ tướng đánh giá cao cơ quan công an đã điều tra, khởi tố các đối tượng vi phạm nhưng cơ quan công bố kết quả là Bộ GD&ĐT sẽ có danh sách thí sinh gửi về cho các cơ sở giáo dục và cơ quan chức năng. Nhưng việc công bố cũng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các cháu, giúp các cháu tự tin tiếp tục con đường học hành chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân các cháu.

Tăng cường giáo dục đạo đức học sinh

Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT khi để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 80/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đồng thời, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, ban hành Thông tư  31 thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, đã xây dựng tổ tư vấn học đường. Bộ GD&ĐT cũng đã xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là đối với nhà giáo và học sinh. 

Về phân cấp, trách nhiệm của các lãnh đạo tỉnh, UBND các địa phương cũng phải vào cuộc xử lý nghiêm khắc vấn đề bạo lực học đường.

“Quan điểm của Bộ là tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh kết hợp với xử lý nghiêm khắc những vi phạm”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết thêm, về việc xử lý những vi phạm trong trường học, bạo lực học đường, Thủ tướng đã chỉ đạo chúng ta phải xác minh, điều tra, xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo nhà trường, giáo viên và giáo viên chủ nhiệm.

Thủ tướng chỉ đạo phải làm nghiêm, làm rõ để chấn chỉnh. Đây là vấn đề đáng báo động, phải suy nghĩ, xem xét. Đây là những hành vi không thể chấp nhận được. Chúng ta phải quan tâm đến công tác giáo dục ở gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là phải tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề sữa học đường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Chính phủ có đề án sữa học đường, Đề án 1340 phục vụ nâng cao thể chất từ học sinh mầm non đến học sinh tiểu học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án 641 – phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp nâng cao giáo dục thể chất trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và đến 18 tuổi. Đề án đồng chí Vũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) ký công văn giới thiệu sản phẩm không phải là tham gia chương trình sữa học đường. Sữa học đường là sữa tươi, thực hiện cho các cháu ở bậc mầm non và tiểu học, để nâng cao tầm vóc cho các cháu. Hai loại hoàn toàn khác nhau, không phải tất cả đều trong chương trình sữa học đường./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới