Sau hơn 2 năm thực hiện trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 93/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh quy định vùng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thời gian và mức hưởng trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước sinh hoạt hợp vệ sinh đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh đã giúp hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức giảm bớt khó khăn, tiết kiệm chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thi công công trình cấp nước sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa tại tiểu khu Sông Na, Nà Hường, xã Nà Bó (Mai Sơn)

Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở vùng khó khăn, chưa được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.437 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sinh hoạt cho hơn 350 nghìn người sử dụng. Thực tế, qua rà soát vùng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Nghị quyết số 93 của HĐND tỉnh có tới 32 xã thuộc các huyện: Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Yên Châu thiếu nước sinh hoạt. Theo đó, Nghị quyết đã quyết định hỗ trợ 4 tháng/năm, với mức hỗ trợ trung bình được hưởng từ 170.000 đồng đến gần 340.000 đồng/người/tháng. Với chính sách này, đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cải thiện đời sống, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua quá trình triển khai, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 58 ngày 21/7/2017 sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế.  Sau điều chỉnh, bổ sung còn 28 xã trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết, trong đó: huyện Bắc Yên 4 xã; Mường La 6 xã; Phù Yên 4 xã; Quỳnh Nhai 2 xã; Sông Mã 6 xã; Sốp Cộp 1 xã; Vân Hồ 1 xã, Thuận Châu và Yên Châu mỗi huyện có 2 xã.

Qua trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được biết, mức hỗ trợ có sự chênh lệch giữa các xã được căn cứ vào điều kiện thực tế các hộ phải chi trả tiền mua nước, công chở nước. So với Nghị quyết số 93, Nghị quyết số 58 sửa đổi, bổ sung sát với thực tế và có quy định chặt chẽ hơn như: Trong tổ chức thực hiện, hàng năm sẽ rà soát, bổ sung các điểm thiếu nước sinh hoạt và đưa ra khỏi diện hỗ trợ nếu xã đó đã được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt. Cùng với đó, trên cơ sở rà soát hàng năm, các huyện tổng hợp danh sách vùng, số người, số tháng cần hỗ trợ; lập dự toán kinh phí hỗ trợ, cân đối ngân sách hỗ trợ vào ngân sách hàng năm của huyện và quyết toán theo quy định, đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi kịp thời và đúng đối tượng.

Việc trợ cấp, hỗ trợ tiền cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thiếu nước sinh hoạt đã khắc phục được những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã, bản theo hướng nâng cao chất lượng nước và vệ sinh nông thôn, đảm bảo về chất lượng, số lượng theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu và cần thiết giúp tỉnh ta hoàn thành mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 95% số dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới