Sáp nhập các đơn vị trường học tại huyện Sông Mã

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, năm 2018, huyện Sông Mã tiến hành kiện toàn, sắp xếp các đơn vị công lập trên địa bàn, trong đó có việc sắp xếp các đơn vị trường học.

 

Một tiết học của cô và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mường Sai (Sông Mã).

 

Trước khi chưa sáp nhập, Sông Mã có 73 đơn vị trường học, sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 19 giảm xuống còn 54 đơn vị trường học (sáp nhập 37 đơn vị trường học thành 18 đơn vị trường học). Ngày 1/9/2018, Trường Tiểu học Hồng Khương và Trường Tiểu học Khương Tiên của xã Chiềng Khương đã sáp nhập và lấy tên gọi là Trường Tiểu học Chiềng Khương. Sau khi sáp nhập, trường có 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên, giảm 3 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó). Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Nghịu, Hiệu trưởng nói: Việc tổ chức sáp nhập các trường học, góp phần tinh giản được cán bộ quản lý, nhân viên; đặc biệt, thống nhất quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong các đơn vị trường, không còn chênh lệch trình độ giữa các đơn vị trường; giảm chi phí xây dựng nhà hiệu bộ của các khu điểm trường.

Còn tại xã Mường Sai, Trường Tiểu học Mường Sai và Trường PTDT bán trú THCS Mường Sai sáp nhập thành Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mường Sai. Sau khi có đề án sáp nhập, cán bộ quản lý của hai đơn vị trường đã tham gia thi sát hạch tại huyện vào đầu tháng 8/2018. Đối với cán bộ quản lý không đủ điều kiện sau khi thi sát hạch sẽ làm công tác giảng dạy và được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ hết thời hạn theo Quyết định đã bổ nhiệm. Thầy giáo Phan Thế Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Khi có quyết định sáp nhập 1/9/2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã nỗ lực điều hành nhà trường đi vào hoạt động theo thời gian quy định của khung thời gian học; phân công cán bộ phụ trách, cán bộ quản lý về chuyên môn theo bậc học; tổ chức khai giảng theo đúng quy định là ngày 5/9. Tôi thấy, việc sáp nhập này không chỉ tạo sự thống nhất trong quản lý mà còn tăng cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa các thầy giáo, cô giáo.

Ông Nguyễn Đình Ngưu, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: Thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị công lập, cấp ủy, chính quyền huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai và thực hiện kiện toàn, sắp xếp các đơn vị một cách thận trọng, chặt chẽ, khoa học. Năm 2018, huyện đã thực hiện sáp nhập 37 đơn vị trường học thành 18 đơn vị trường học; sáp nhập 4 đơn vị sự nghiệp nông nghiệp thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; 2 đơn vị sự nghiệp công lập và 1 đội lĩnh vực văn hóa, thể thao và thông tin truyền thông thành Trung tâm Truyền thông - Văn hóa. Việc thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm 23 đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao; giảm số lượng lãnh đạo (giảm 45 viên chức lãnh đạo, quản lý); giảm số người làm việc ở bộ phận hành chính, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc sáp nhập các đơn vị trường học cũng còn gặp một số khó khăn, nhất là việc thành lập các tổ chuyên môn. Theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND tỉnh ngày 17/7/2018 về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thì Điều 5, tiêu chí thành lập tổ ở mục 2 nêu: Đối với các đơn vị giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và tương đương thành lập tổ chuyên môn theo môn học, nhóm môn học hoặc tổ văn phòng, mỗi tổ ít nhất phải có 15 biên chế trở lên, trường mầm non phải có ít nhất 10 biên chế trở lên.

Cô giáo Nguyễn Thị Nghịu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Khương băn khoăn: Hiện nay, trường đã kiện toàn ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của đơn vị là việc thành lập tổ chuyên môn và tổ văn phòng. Trường cũng đã có ý kiến với Phòng Giáo dục và Đào tạo vì thành lập tổ chuyên môn đông biên chế sẽ khó trong việc tập hợp, sinh hoạt, đặc biệt đối với các giáo viên ở khu điểm lẻ; việc duy trì trường chuẩn của đơn vị sẽ gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Ngưu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Sau sáp nhập quy mô về số lớp, đội ngũ cán bộ, học sinh lớn hơn, nhiều đơn vị trường có trên 1.000 học sinh; nhiệm vụ quyền hạn cũng có sự thay đổi, cơ sở vật chất ở một số đơn vị trường cũng khó khăn. Với đặc điểm là huyện có địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều sông, suối, giao thông đi lại chưa được thuận lợi nên thời gian đầu đi vào hoạt động sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của ban giám hiệu cũng như công tác tổ chức nấu ăn bán trú; xây dựng trường chuẩn. Trên cơ sở 18 đơn vị trường học sáp nhập năm 2018, huyện sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị này để rút kinh nghiệm và có kế hoạch triển khai thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Dù còn nhiều khó khăn, song việc sáp nhập giữa các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Sông Mã đã góp phần tích cực làm tinh giản bộ máy biên chế, đổi mới công tác hành chính; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng cho học sinh.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới