Sáng tạo trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc Thái

Tổ chức biên soạn ngắn gọn các văn bản của Trung ương, của Bộ Y tế, tỉnh, huyện để dịch sang tiếng dân tộc Thái, đọc qua hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn đang là việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả trong thời điểm công tác phòng chống dịch cao điểm hiện nay.

 

 

Ông Cầm Văn Thỏa dành thời gian nghiên cứu, biên tập lại nội dung tuyên truyền

phòng chống dịch COVID-19 bằng tiếng dân tộc Thái.

 

Xã Chiềng Lương là một xã vùng 2 còn nhiều khó khăn của huyện Mai Sơn, hiện xã có 2.068 hộ với 10.200 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú (dân tộc Thái chiếm trên 87%) cùng sinh sống tại 19 bản, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều người chưa nói sõi tiếng phổ thông, đây chính là thách thức trong việc tuyên truyền hiệu quả các văn bản liên quan đến dịch COVID-19, đặt ra cho địa phương là phải tìn ra phương pháp tuyên truyền riêng, phù hợp. Trước khó khăn đó, ông Cầm Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương đã đề xuất với Đảng ủy, UBND xã Chiềng Lương thực hiện chủ trương tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Sau khi họp bàn và đi đến thống nhất, Đảng ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ông Cầm Văn Thỏa là người trực tiếp nghiên cứu làm nhiệm vụ dịch, biên tập nội dung văn bản từ tiếng phổ thông sang tiếng Thái rồi phát trên loa truyền thanh cho bà con trong xã cùng nghe.

 

Ông Cầm Văn Thỏa chia sẻ: Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách mảng văn hóa – xã hội của xã, trước đây công việc tuyên truyền được giao cho bộ phận văn hóa xã đảm nhận. Nhưng lần này, công tác phòng chống dịch yêu cầu khẩn cấp, có tính chất quan trọng liên quan đến tính mạng người dân nên tôi phải trực tiếp cùng anh em vào cuộc. Vẫn biết hằng ngày các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhưng do đặc thù xã có phần lớn người dân là người dân tộc, nên muốn mọi người nghe rõ, hiểu rõ, muốn làm chuyển biến nhận thức của người dân thì phải nói bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc.

 

 

 

Lãnh đạo xã Chiềng Lương (Mai Sơn) tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống dịch COVID - 19.

 

Sau khi nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Lương, ông Thỏa đã dành thời gian nghiên cứu, biên tập lại nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác phòng, chống dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc Thái. Nội dung được biên tập lại ngắn gọn, đủ ý. Hỏi về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình biên tập, ông Thỏa cho biết: Câu từ, khái niệm của tiếng phổ thông rất phong phú, trong khi tiếng Thái có từ khó diễn đạt, nên có chỗ phải tham khảo các cụ cao tuổi trong bản mới tìm được cách dùng từ, cách nói diễn tả sao cho sát ý, để khi đọc trên hệ thống loa người dân dễ hiểu. Thậm chí, có những từ khi chuyển từ tiếng phổ thông sang tiếng Thái, không phải phát thanh viên nào cũng biết và đọc được tiếng Thái vì từ ngữ đó ít thông dụng. Do đó, tôi đã sử dụng cách dịch, viết theo lối phát âm thông thường để người đọc thuận tiện phát âm và truyền tải tốt tới người nghe trong các bản tin. Trong quá trình triển khai thực hiện, tôi cũng luôn tiếp nhận các thông tin phản hồi của người đọc cũng như bà con để sau đó biên soạn lại các câu từ sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin của bà con tại các bản. Còn đối với đội ngũ phát thanh viên đọc bản tin ở các bản đều là Trưởng bản. Thực tế là tiếng phổ thông đôi khi họ phát âm còn chưa chuẩn, nhưng với các bản tin đã dịch sang tiếng Thái thì họ đọc rất chuẩn và lưu loát. Hệ thống loa phát thanh ở các bản có thể được đặt tại nhà văn hóa hoặc đặt tại nhà các trưởng bản nên rất thuận tiện cho công tác tuyên truyền.

 

Qua thực tế cho thấy, sau khi được nghe tuyên truyền phòng chống bệnh dịch COVID -19 bằng tiếng dân tộc, nhân dân tại các bản đã tiếp thu được các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện một cách hiệu quả. Việc làm sáng tạo này giúp xã không phải tổ chức giao ban với các bản hay các bản phải tổ chức họp dân hoặc cán bộ bản phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động như trước nữa. Điều này được thể hiện rõ trong ý thức chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Điển hình là gia đình bà Sồng Thị Dua, xã Chiềng Lương, một trong những hộ gia đình đã chấp hành nghiêm nội dung của Chỉ thị 16 của Chính phủ khi chủ động hoãn đám cưới của con gái để cùng xã, bản phòng, chống dịch COVID-19. Chia sẻ về việc này, bà Dua nói: Ban đầu nhiều người trong gia đình phản đối việc hoãn đám cưới của các con, còn chủ quan cho rằng ở vùng sâu, vùng xa như này thì sợ gì lây nhiễm bệnh dịch. Nhưng từ sau khi được nghe tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và trực tiếp là cán bộ xã, bản đến vận động, giải thích, gia đình tôi và gia đình nhà trai đã hiểu ra và nhất trí hoãn việc tổ chức đám cưới của các con lại. Qua nghe tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đã hiểu là cần phải tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi ở và nhất là không được tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi có việc ra đường…

 

Việc tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu bằng tiếng dân tộc Thái của xã Chiềng Lương là một cách làm sáng tạo, cần được nhân rộng, để thông tin được truyền tải nhanh và hiệu quả đến người dân, giúp đồng bào các dân tộc nghe, hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới