Sáng tạo khởi nghiệp, thách thức và giải pháp

Hưởng ứng chương trình Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ những đoàn viên thanh niên trẻ có nhiệt huyết, đam mê khởi nghiệp về những kinh nghiệm, ý tưởng khởi nghiệp, cách tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...

 

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm tại Trường Đại học Tây Bắc.

 

Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực du lịch có nhiều triển vọng, điển hình như: Anh Tráng A Chu (Vân Hồ), Đỗ Văn Đàm, Nguyễn Mạnh Hùng ( Mộc Châu), Giàng A Dạy, Vì Văn Bình, Lò Văn Duyên (Mai Sơn), Là Văn Phong (Quỳnh Nhai), Vàng A Mẻ (Sông Mã), Phạm Diệu Vân (Thành phố), Lò Văn Thành, Thào A Lo ( Bắc Yên)...

Những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng Trường Đại học Tây Bắc tổ chức thành công Diễn đàn khởi nghiệp dành cho 1.000 sinh viên và thanh niên tỉnh Sơn La và Điện Biên, thắp lên ngọn lửa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, vươn lên làm giàu trên quê hương khi còn là sinh viên. Sau diễn đàn, Đoàn Trường Đại học Tây Bắc đã thành lập Câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp với 200 đoàn viên tham gia. Câu lạc bộ đã phối hợp với Khoa Kinh tế triển khai mô hình Công ty thực hành khởi nghiệp phân phối các sản phẩm rau củ quả sạch an toàn; tư vấn cho các nhóm sinh viên khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch, thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin và thương mại dịch vụ. Đồng thời, phát động và tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong toàn trường, đã có 254 sinh viên đăng ký tham gia, với hơn 100 ý tưởng kinh doanh. Trong đó, đã có 10 dự án kinh doanh do sinh viên dân tộc thiểu  số được triển khai thực hiện, đem lại lợi nhuận kinh doanh, tạo thu nhập, việc làm cho chính những sinh viên trong Trường.

Mô hình nuôi dế của anh La Văn Quý, cựu sinh viên Khoa Lý luận chính trị K54, Trường Đại học Tây Bắc là một trong những ý tưởng khởi nghiệp được triển khai gần đây, bước đầu đã cho thấy tính khả thi của dự án. Với những kiến thức được giáo viên trong Trường tư vấn lên ý tưởng, triển khai kế hoạch kinh doanh, anh Quý còn được Trường tạo điều kiện cho thuê nhà kính thực nghiệm 340 m² để thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm. Anh Quý cho biết: Tháng 3/2017, khởi nghiệp ban đầu với số vốn hơn 10 triệu đồng mua giống, hộp xốp và bạt dứa làm chuồng trại nuôi dế trong diện tích khoảng 100 m2. Sau 6 tháng triển khai, đã thu 300 kg dế thương phẩm, với giá bán 150.000 đồng/kg, xuất bán 60 khay trứng, với giá 200.000 đồng/khay và cung cấp dế làm thức ăn cho chim, tính ra tổng thu nhập gần 60 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

 

Anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ biểu diễn sáo Mông phục vụ du khách.

 

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn kết nạp đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức Hiệp hội, gắn kết các hội viên sản xuất kinh doanh với nhau, ủng hộ, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, đảm bảo lợi ích chung và góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những mô hình kinh doanh của đoàn viên, thanh niên sẽ là nền tảng làm gia tăng giá trị kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ) chia sẻ: Khởi nghiệp ban đầu rất khó khăn, do thiếu vốn, thiếu kinh nhiệm quản lý, tổ chức tour du lịch chưa thu hút được du khách đã làm tôi nhụt chí, từng có suy nghĩ bỏ dở dang. Từ khi tham gia là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tôi được Hiệp hội giúp đỡ tiếp cận vay vốn ưu đãi và kết nối với các công ty lữ hành trong tổ chức tour. Từ đó, tôi dần xây dựng được thương hiệu du lịch, lượng khách lữ hành ổn định, tôi đã giới thiệu khách đến các hộ khác làm du lịch ở bản. Các thành viên trong gia đình tôi đều có việc làm, tham gia tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ du khách vào buổi tối. 

Trên thực tế, có nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo khi triển khai ban đầu thuận lợi, mang lại hiệu quả. Nhưng để các mô hình kinh doanh khởi nghiệp phát triển lớn mạnh, bền vững, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Các sản phẩm, dịch vụ chưa thật sự đa dạng, phong phú; hạn chế trong công tác quản lý, hạch toán tài chính; khả năng cạnh tranh của các mô hình kinh doanh khởi nghiệp với các doanh nghiệp kinh nghiệm đã có thị trường ổn định. Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Những mô hình khởi nghiệp đều là của những người trẻ tuổi, họ có ưu điểm trong sáng tạo ý tưởng, đam mê, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm trong quản lý điều hành hoạt động kinh doanh, tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp cận thị trường đang là những những rào cản khiến việc kinh doanh khó có thể bứt phá. 

 

 

Công nhân Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La đóng gói nấm sò.

 

Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) do 4 sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc sáng lập. Ban đầu, Công ty khá thành công với mô hình trồng nấm quy mô nhỏ. Nhưng khi mở rộng sản xuất kinh doanh ở quy mô lớn, vấn đề kiểm soát bệnh hại, đồng thời thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, hạch toán tài chính, nên Công ty liên tiếp thua lỗ, kiệt quệ tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Vì Văn Bình, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ 4 thành viên sáng lập ban đầu, trong những năm kinh doanh thua lỗ, đã có 1 thành viên rút vốn vì áp lực từ phía gia đình và không còn đủ khả năng tài chính. Trước tình hình đó, các thành viên còn lại đã quyết tâm đổi mới sản xuất, học hỏi thêm kiến thức quản trị doanh nghiệp để vực dậy sản xuất kinh doanh. Phải mất 3 năm sau, Công ty mới dần ổn định sản xuất, lấp được những lỗ hổng trong công tác quản lý và kinh doanh có lợi nhuận. Đến nay, Công ty đã phát triển tương đối ổn định, năm 2017, từ cung cấp nấm thương phẩm, rau an toàn và phôi giống nấm sò, tổng doanh thu đạt 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng diện tích trồng rau, củ an toàn, cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội viên kinh doanh khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hoàng Chí Thức cho biết thêm: Ngoài tổ chức tư vấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về kinh doanh khởi nghiệp; tạo điều kiện cho các hội viên tham gia vào hội chợ thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tháng 7/2018, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận với BIDV Chi nhánh Sơn La dành 2.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp hội viên, trong đó, có các mô hình kinh doanh khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng đã phát động các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc thống nhất thành lập nguồn hỗ trợ cho thanh niên bước đầu thực hiện mô hình phát triển kinh tế. Tiếp nhận 868 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Ðoàn, hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên thực hiện 15 dự án ý tưởng mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho 31.000 hộ đoàn viên, thanh niên vay vốn, với tổng dư nợ trên 873 tỷ đồng. Chị Lò Thị Thúy Hà, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Tỉnh Đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tiếp tục tham gia hưởng ứng các cuộc thi do Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn hoặc các đơn vị phát động liên quan đến việc phát huy sáng tạo tinh thần khởi nghiệp; phối hợp tổ chức với các đơn vị trong việc quảng bá giới thiệu các sản phẩm.

Những mô hình kinh doanh khởi nghiệp đã đạt được thành công bước đầu và có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để các mô hình khởi nghiệp phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, rất cần đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía các cơ quan Nhà nước; sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có nguồn lực. Đồng thời, cần có sự liên kết, hợp tác giữa các mô hình khởi nghiệp và các doanh nghiệp trong việc sử dụng các sản phẩm của nhau, thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp từng bước phát triển, trở thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới