Sản xuất tinh dầu từ quả màng tang

Màng tang là một loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, cao từ 2-4 m, lá mọc so le, dài và nhỏ; hoa màng tang ra thành từng chùm, màu vàng nhạt; quả màng tang nhỏ, nhưng rất nhiều, mùi thơm nồng đậm, khi chín có màu đen sậm. Từ quả của loài cây này, nhiều nơi đã chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm... Tại bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai), mấy năm nay, ông Lò Xuân Hồ, Giám đốc HTX Chiềng Khay Xanh đã tổ chức thu mua và sản xuất tinh dầu màng tang, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Cây màng tang được sử dụng để sản xuất tinh dầu ở xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).

Năm 2016, sau khi tham quan mô hình sản xuất tinh dầu màng tang của một người bạn ở Tuyên Quang, ông Hồ quyết định học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái quả và thực hành các phương pháp chưng cất tinh dầu màng tang. Ban đầu, để có nguyên liệu chưng cất, ông đi khảo sát và chọn một số bản có nhiều cây màng tang mọc tự nhiên, vận động mỗi bản 3-4 người, hướng dẫn kỹ thuật hái quả bảo đảm tươi nguyên, không bị dập nát và tổ chức thu mua cho bà con với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Theo ông Hồ, thời gian thu hoạch và sản xuất tinh dầu màng tang kéo dài từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 8. Quả màng tang sau khi thu hái được chưng cất thủ công (giống như chưng cất rượu truyền thống). Với 3 tạ quả, chưng cất từ 8-10 tiếng sẽ thu được 8 kg tinh dầu. Muốn có hàm lượng tinh dầu cao nhất, thì sau thu hái phải chưng cất ngay, nếu không phải bảo quản trong túi nilon đóng kín. Trong quá trình chưng cất, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tinh dầu, nên lửa phải đều, không quá to hoặc quá nhỏ. Tinh dầu thu được bảo quản trong bình inox sạch và đậy kín. Ông Hồ cho biết đang bán sản phẩm tinh dầu màng tang cho doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn Đức (Tuyên Quang) và Công ty TNHH Hương liệu và gia vị Bạch Cúc (TP Hồ Chí Minh) với giá 500.000 đồng/kg. Riêng năm 2018, nhà ông sản xuất 1,2 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Với mô hình sản xuất tinh dầu màng tang, vào vụ, gia đình ông Hồ còn tạo việc làm cho 4 nhân công với mức thu nhập 170.000 đồng/ngày. Anh Lò Văn Chợ (bản Nà Mùn), chuyên mua gom quả màng tang, chia sẻ: Để thu hái được nhiều quả màng tang bán cho nhà ông Hồ, bây giờ bà con trong các bản không còn chặt phá cây màng tang như trước; vào mùa thu hái, chịu khó cũng thu được một, hai trăm nghìn đồng. Dù chỉ là nguồn thu nhập thêm, nhưng cũng giúp nhiều gia đình trong bản có việc làm và cải thiện thu nhập.  

Được biết, sản phẩm tinh dầu màng tang mùi thơm dịu nhẹ, dùng để tắm, xông hơi, massage, xông hương khử mùi, đuổi muỗi...; nhiều hộ gia đình trong bản Phiêng Bay thường đến nhà ông Hồ mua tinh dầu về pha nước tắm cho trẻ em và người già. Tuy nhiên, màng tang là loại cây có tuổi đời ngắn, chỉ cho thu hoạch quả khoảng 4 năm là chết khô, cây lại thường mọc lẻ tẻ, phân tán. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất tinh dầu, ông Hồ đã cùng một người bạn ở Hà Nội ươm giống 2 tấn quả màng tang; vận động các thành viên HTX và một số người dân ở các bản Phiêng Bay, Nặm Ngùa, Pá Bó, Nà Mùn... trồng cây màng tang vào diện tích đất đồi trống, bỏ hoang; đồng thời, cam kết cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân các bản. Trong xã, hiện đã có hơn chục hộ dân đăng ký trồng.

Dù còn gặp không ít khó khăn, nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, trang thiết bị chiết xuất tinh dầu còn thủ công, mất nhiều thời gian, chi phí cao... nhưng với sự chủ động, khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, mô hình sản xuất tinh dầu màng tang của gia đình ông Lò Xuân Hồ cũng là một hướng làm kinh tế có hiệu quả, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân, rất cần được nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể của các cơ quan chức năng.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới