Rượu Hang Chú Nét văn hóa của người vùng cao

Về vùng cao Bắc Yên, ngoài được thưởng ngoạn biển mây bồng bềnh tại Tà Xùa kỳ thú, đi trên sống lưng khủng long, được trải nghiệm trong những khu rừng sơn tra, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản nức tiếng của đồng bào vùng cao nơi đây - Trong đó rượu Hang Chú - với vị thơm, cay nồng mà chỉ thử một lần sẽ nhớ mãi không quên.

 

 

Người dân bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (Bắc Yên) chưng cất rượu.

 

Trong cái rét đậm của một buổi sáng mùa đông, từ trung tâm thị trấn Bắc Yên, chúng tôi khởi hành đến xã vùng cao Hang Chú để được hiểu thêm về thứ rượu đặc sản này cũng như nghề nấu rượu nơi đây. Theo các cụ cao niên trong xã, nấu rượu là nghề truyền thống từ bao đời nay và được khởi nguồn từ bản Pa Cư Sáng. Người dân trong bản truyền cho nhau công thức nấu rượu, sau đó nhân rộng sang một số bản khác trong xã. Hiện nay, không ai biết “ông tổ” của nghề nấu rượu Hang Chú là ai, nhưng nghề này đã trở thành một phần trong đời sống của người dân trong xã. Với bà con, rượu là sản vật quý trong gia đình và được mang ra mời khách quý đến nhà chơi hoặc được dùng trong những dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Mông vùng cao.

 

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Giàng Khua Nếnh, bản Pa Cư Sáng – một trong những hộ có nghề nấu rượu truyền thống có tiếng cả vùng. Cảm nhận đầu tiên ngay khi bước vào ngôi nhà nhỏ ở đầu bản Pa Cư Sáng đó là mùi thơm của men rượu được ủ trong thùng và bếp đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Sau cái bắt tay thật chặt, cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu với việc sử dụng thóc nguyên liệu để nấu rượu. Ông Khua Nếnh nói: Trước đây, ngay sau mùa gặt, các cụ thường nấu rượu ngay, bởi khi đó thóc có mùi thơm nhẹ và khi ủ men, nồng độ rượu sẽ cao hơn khi nấu bằng gạo.

 

Dường như hiểu được mong muốn của chúng tôi là tìm hiểu quy trình nấu rượu, ông Khua Nếnh cười thật hiền: Phóng viên ở lại nhà đi, sáng sớm mai dậy nấu rượu cùng tôi. Bữa cơm tối hôm đó, ông Khua Nếnh chiêu đãi chúng tôi những món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Mông, như: Măng ớt, bánh dày, thịt gà cùng với chai rượu do chính ông nấu. Ở vùng cao, không khí lạnh hơn rất nhiều so với ở vùng thấp, nhưng sau khi uống mấy chén rượu, dường như bớt lạnh đi nhiều. Và trong suốt bữa cơm, câu chuyện của chúng tôi luôn rôm rả chủ đề: Rượu đặc sản Hang Chú. Ông Khua Nếnh nói ngay sau khi gặt về gia đình ông bắt đầu nấu rượu. Để có được một mẻ rượu 20 lít với nồng độ khoảng 60 độ, sẽ sử dụng khoảng 50 kg thóc. Thóc cho vào luộc từ 4-5 giờ đồng hồ liên tục đến khi các hạt thóc chín và nở hết, sau đó đổ thóc ra để nguội tự nhiên trước khi ủ men (loại men làm hạt hồng mi các loại lá cây trên rừng, có nhiều vị thuốc tốt cho sức khỏe), thời gian ủ men khoảng 20-25 ngày. Theo kinh nghiệm 20 năm nấu rượu của ông Nếnh thì thời gian ủ càng lâu rượu sẽ càng ngon. Sau thời gian ủ men sẽ cho vào nồi rồi trưng cất trên bếp củi. Nấu một mẻ rượu cần khoảng 4 tiếng đồng hồ, lửa đun vừa phải để rượu chảy đều.

 

3 giờ sáng, cả gia đình ông Khua Nếnh đã thức dậy chuẩn bị cho việc nấu rượu. Mỗi người một việc: Người nhóm củi; người cho thóc đã ủ men vào nồi để trưng cất rượu; người vo thóc để ủ men mẻ rượu mới... Vừa nhóm củi, ông Khua Nếnh vừa nói: Rượu nấu xong có nồng độ là 60 độ, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà rượu sẽ được pha theo những nồng độ khác nhau, trung bình một lít rượu thóc Hang Chú bán với giá từ 20-30 nghìn đồng. Rượu thóc Hang Chú có vị ngọt của thóc nương, mùi thơm của men lá, nếu có uống quá chén cũng không bị đau đầu.

 

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều năm trở lại đây, rượu thóc Hang Chú không chỉ được biết đến ở huyện Bắc Yên, mà đã lan truyền đến nhiều người trong tỉnh, ngoài tỉnh. Sản phẩm rượu truyền thống của xã Hang Chú đã và đang dần trở thành hàng hóa và là một trong những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của vùng cao này. Tuy nhiên, hiện nay ở xã Hang Chú chỉ có khoảng 20 hộ duy trì nghề nấu rượu truyền thống, trong đó 7 hộ ở bản Pa Cư Sáng.

 

Với nét đẹp văn hóa nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông Hang Chú đã góp phần thu hút lượng khách du lịch đến với vùng cao Bắc Yên ngày càng tăng. Hy vọng rượu Hang Chú sẽ tạo được thương hiệu và được nhiều du khách lựa chọn khi đến với vùng cao Bắc Yên.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới