Rau xanh ở Tông Lạnh

Với địa hình bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, giao thông thuận lợi, Tông Lạnh có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng rau xanh.

 

Nông dân bản Củ A, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) chăm bón rau vụ đông.

Trước nhu cầu về sản phẩm rau xanh trên thị trường, UBND và các đoàn thể xã đã vận động bà con tận dụng tối đa diện tích ruộng nước, tập trung gieo trồng một số giống rau xanh có giá trị để tăng thu nhập. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; khuyến cáo bà con nên sử dụng phân chuồng, hạn chế sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng để tạo sản phẩm rau an toàn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trung bình mỗi năm, nông dân Tông Lạnh trồng trên 40 ha rau vụ 3, trong đó chủ yếu là trồng rau xanh phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên Đán như: Súp lơ, bắp cải, su hào, hành, tỏi, khoai tây... tập trung ở một số bản: Lạnh A, Lạnh B, Lạnh C, Hua Nà A, Hua Nà B, Nà Lạn, Củ A, Củ B, Pằn Nà, Thẳm A. Sản lượng rau xanh hằng năm ước hơn 100 tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã, mà phần lớn sản phẩm rau được bán trên thị trường trong huyện và Thành phố.

Anh Lò Văn Sáng, Trưởng bản Củ  B cho biết: Những năm trước đây, bà con chỉ trồng 2 vụ lúa, bỏ trống vụ đông. Ban Quản lý bản đã vận động bà con đưa các loại cây rau xanh vào sản xuất vụ đông. Từ năm 2005 đến nay, nhân dân trong bản đã phát triển trồng rau tập trung. Lúc đầu, chỉ có vài hộ trồng rau, đến nay, tất cả các hộ trong bản đều tận dụng đất để trồng rau xanh, với gần 5 ha rau tập trung. Nhiều hộ thu nhập từ 5-6 triệu đồng/vụ, như gia đình anh Lò Văn Tưới, Lò Văn Quân, Lò Văn Sóng... Hằng ngày, các thương lái đến mua rau đem bán ở các chợ trên địa bàn huyện và Thành phố; có năm, thương lái từ tỉnh Thanh Hóa cũng mua. Rau xanh ở bản luôn được đánh giá là sản phẩm sạch, chất lượng, nên đã tạo được uy tín và được ưa chuộng trên thị trường.

Dọc bờ suối Muội, tận dụng nguồn nước sẵn có, trên thửa trải rộng, nông dân bản Củ A, Củ B, Pằn Nà, Thẳm A, Thẳm B, Tốm A, Tốm B, Công Mường A đang chăm sóc những luống rau bắp cải, su hào, súp lơ và gieo những luống rau mới. Chị Lò Thị Soan, bản Củ B, nói: Gia đình tôi có 0,4 ha trồng rau xanh. Năm nào cũng thế, gặt xong lúa vụ mùa là gia đình khẩn trương làm đất để trồng rau xanh trên diện tích ruộng gần suối. Trồng rau xanh đầu tư ít, thu nhập khá, khi rau được thu hoạch là có người đến tận ruộng mua, mỗi vụ gia đình thu từ 4-5 triệu đồng.

Việc sản xuất rau vụ 3 ở Tông Lạnh mở ra hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất vụ 3 ở đây vẫn mang tính tự phát. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau xanh của xã, cần có định hướng và quy hoạch vùng trồng rau cụ thể. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật cho bà con; huy động nhân dân làm thủy lợi, bảo đảm nước tưới để mở rộng diện tích... bảo đảm cho sản phẩm rau xanh vụ 3 nơi đây trở thành sản phẩm hàng hóa phát triển bền vững.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới