Quyết liệt thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó

Theo thường lệ, việc triển khai tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó được hoàn thành trong tháng 5 hoặc tháng 6 hằng năm. Tuy nhiên năm nay, tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh mới triển khai tiêm được hơn 127.000 liều vắc-xin phòng dại cho chó, đạt 81,4% kế hoạch. Trong đó, các địa phương triển khai chậm là huyện Sông Mã (14.881 liều), đạt 57,3% kế hoạch; Thành phố (hơn 3.700 liều), đạt 44,9% kế hoạch; Mai Sơn (6.300 liều) đạt 27,2% kế hoạch...

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng dại cho chó ở tổ 9, phường Quyết Thắng (Thành phố).

Ông Lừ Văn Trường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La cho biết: Tháng 10/2019, Chi cục đã hướng dẫn Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thống kê số lượng chó nuôi trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch ở động vật năm 2020. Trước vụ tiêm phòng, Chi cục đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc-xin theo kế hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt. Đến đầu tháng 5/2020, Chi cục đã cung ứng đầy đủ vắc-xin phòng dại ở đàn chó cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để triển khai tiêm phòng theo kế hoạch.

Tuy nhiên đến nay, tiến độ tiêm vắc-xin phòng dại ở chó vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân do chính quyền cơ sở một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, công tác quản lý đàn chó nuôi chưa được thực hiện đầy đủ; việc xử lý chủ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chưa được UBND cấp xã quan tâm thực hiện. Hơn nữa, lực lượng cán bộ thú y bản thiếu nhiều nên khó khăn trong triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng dại cho chó ngay từ cơ sở.

Cũng theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 2 trường hợp chó mắc bệnh dại cắn người gây tử vong tại xã Phiêng Khoài (Yên Châu) và xã Púng Bánh (Sốp Cộp). Như vậy, bệnh dại vẫn còn tiềm ẩn trong đàn chó và có nguy cơ bùng phát nếu không được tiêm vắc-xin đầy đủ. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 167.000 con chó, hầu hết đều nuôi theo hình thức thả rông, vì vậy khi chó mắc bệnh dại rất khó phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn. Chỉ đến khi chó phát dại cắn người và gia súc thì người dân mới báo chính quyền cơ sở và cán bộ thú y biết để xử lý. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước đã ghi nhận với 48 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 22 tỉnh, thành phố. Để khẩn trương kiểm soát tốt bệnh dại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị 5277/CT-BNN-TY ngày 7/8/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó và phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, trong đó, cần khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh dại trên động vật; không để dịch lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó nuôi, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý đàn chó nuôi...

Chỉ có tiêm đầy đủ vắc-xin phòng dại ở chó mới có thể ngăn chặn bệnh dại ở động vật. Vì vậy, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo sát sao việc triển khai tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó đúng kế hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó. Các hộ nuôi chó cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ thú y thực hiện tiêm vắc-xin phòng dại cho chó; không thả rông chó ngoài đường; khi cho chó ra đường phải đeo rọ mõm và có người dắt.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới