Quan tâm, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/Dioxin

Đã 59 năm trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2020), nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trong cơ thể của những người bị nhiễm chất độc hóa học. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Thuận Châu đã thường xuyên quan tâm chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

Cán bộ thị trấn Thuận Châu thăm hỏi ông Hà Xuân Yêu, tiểu khu 8, thị trấn Thuận Châu

bị nhiễm chất độc da cam.

                 

Theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thuận Châu, toàn huyện có 27 người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thực hiện chính sách đối với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai các chế độ theo đúng quy định của Nhà nước. Hằng tháng, huyện thực hiện chi trả chế độ chính sách cho 27 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam với tổng số tiền hơn 430 triệu đồng và chi trả trên 152 triệu đồng cho 19 người là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, các đối tượng còn được hỗ trợ khám, chữa bệnh, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

                 

Chúng tôi đến thăm ông Hà Xuân Yêu ở tiểu khu 8, thị trấn Thuận Châu. Năm nay, ông đã ngoài 70 tuổi, nhìn bề ngoài, ít ai biết hằng ngày ông bị những cơn đau từ di chứng của chất độc hóa học hành hạ. Ông Yêu cho biết: Tôi bị nhiễm chất độc da cam năm 1971 khi đang làm nhiệm vụ thuộc Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh đặc công, tại chiến trường Quảng Trị. Khi chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống đời thường, tôi thường xuyên bị đau đầu, ù tai, mắt mờ sớm, viêm da khắp người. Đến khi lập gia đình có con, thì con tôi sinh ra không được khỏe mạnh. Tôi có 2 con trai, con cả sinh năm 1982, từ khi sinh ra đã yếu, thường xuyên bị co giật, mắc bệnh bại liệt đến năm 8 tuổi thì mất; con út sinh năm 1995 thì bị bại não bẩm sinh, đến giờ vẫn không nói được, không nhận thức được, không thể đến trường như các bạn cùng lứa. Sau này, tôi được cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện hướng dẫn làm hồ sơ giám định y khoa phơi nhiễm chất độc hóa học, phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin với tỷ lệ phơi nhiễm trên 60%. Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hằng tháng tôi được hưởng trợ cấp 2,8 triệu đồng. Ngoài ra, những ngày lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) được cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên, thăm hỏi, tặng quà, khiến bản thân tôi cũng vơi bớt nỗi đau.

                 

Chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện, các nạn nhân còn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ huyện đã phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức thăm, tặng hơn 40 suất quà cho các lượt đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trị giá 400.000 đồng/suất; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí.

                 

Chiến tranh đã đi qua, nhưng di chứng chất độc da cam/dioxin vẫn còn hằn sâu trong cơ thể của những chiến sỹ quả cảm năm xưa trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, đang sinh sống trên địa bàn huyện. Những hoạt động hỗ trợ, tặng quà, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được duy trì thường xuyên đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm và của cả cộng đồng, góp phần làm dịu nỗi đau của những người vì hòa bình đất nước mà mất đi hạnh phúc trọn vẹn.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới