Quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn

Với mục tiêu đến cuối năm 2022 tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 91,3%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 57%, tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 82%, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là việc phân loại chất thải rắn tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, rác thải tái chế, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định.

 

Rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom trở về Nhà máy thực hiện quy trình xử lý.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là Quyết định số 3197/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 về việc giao trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý thuộc hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2022. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chung tay bảo vệ môi trường ý nghĩa, thiết thực.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền, phổ biến quy định về xử lý chất thải rắn cho 450 tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban ngành, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua chung tay bảo vệ môi trường. Từ phong trào xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như: Các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh duy trì hoạt động các mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, với trên 32.000 thành viên; duy trì hoạt động mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, trồng nhiều tuyến đường hoa, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm... Đặc biệt, thành lập các mô hình bảo vệ môi trường, như: Mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch”, “Tiêu dùng sạch”, “Nhóm phụ nữ cùng sở thích trồng cây ăn quả sạch, an toàn góp phần bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu”; đã nhân rộng mô hình “Dùng làn, ếp để đi chợ”. Tháng 7 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập và ra mắt 2 mô hình “Thu gom rác thải nhựa” tại xã Mường Sang và Đông Sang, huyện Mộc Châu với 70 thành viên.

Bà Bùi Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Tham gia mô hình, định kỳ vào ngày chủ nhật cuối tháng, các thành viên sẽ mở thùng rác thải nhựa để bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo, học sinh nghèo vượt khó, các cháu mồ côi trên địa bàn. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, phát huy vị trí, vai trò của Hội Phụ nữ trong bảo vệ môi trường, đồng thời, tạo nguồn quỹ ổn định trợ giúp cho các hoàn cảnh khó khăn của bản. Từ 2 mô hình điểm, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ ra mắt thêm câu lạc bộ chống rác thải nhựa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và mọi người dân trong việc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, phân loại rác tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã phát động, triển khai tới các cơ sở đoàn trong tỉnh nhiều hoạt động thiết thực, như: Ra quân quét dọn, phát quang đường nội bản, thu gom rác thải nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật dọc kênh mương nội đồng; đào hố rác và làm nhà vệ sinh cho các gia đình có người già neo đơn; xây dựng các công trình “Sân chơi cho em”, “Ánh sáng bản làng”; tháo gỡ biển quảng cáo sai quy định; “Tuyến đường hoa thanh niên”, “Chống rác thải nhựa”, “Hành trình thứ hai của lốp xe, chai nhựa”, “Vườn thuốc thanh niên”; tu sửa các tuyến đường giao thông nông thôn liên bản, liên xã; tuyên truyền, phổ biến người dân, các hộ kinh doanh về việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường...

Các cơ sở giáo dục, đào tạo chú trọng đưa nội dung phân loại rác thải, xử lý chất thải rắn vào giảng dạy và lồng ghép với các nội dung về bảo vệ môi trường trong các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong phong trào xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp”; giáo dục học sinh có thói quen bảo vệ môi trường trong cuộc sống hàng ngày; tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chủ đề “Bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn”...

Trên địa bàn các huyện, thành phố, đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho người dân qua các cuộc họp cộng đồng, họp bản, tổ dân phố. Thông báo, niêm yết công khai tại các điểm dân cư, tổ dân phố quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung, trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 91%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 56,5%, tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom ước đạt 80,3%. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở TN&MT đang tập trung phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ, đảm bảo hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM; từng bước mở rộng địa bàn thu gom rác thải nông thôn, kết hợp xã hội hóa nguồn lực phục vụ công tác thu gom rác thải trên địa bàn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới