Quản lý hoạt động thủy điện nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo

Sơn La là một trong những địa phương có tốc độ phát triển thủy điện nhanh của cả nước, góp phần đảm bảo nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức để khai thác nguồn năng lượng này một cách bền vững.

           

Năm 2005, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quy hoạch 19 công trình thủy điện nhỏ của tỉnh Sơn La vào quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc với tổng công suất 114,6 MW. Năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh với 95 trạm thủy điện với tổng công suất 321 MW. Tiếp đến năm 2013, UBND tỉnh lập quy hoạch thủy điện nhỏ trình Bộ Công Thương để tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Sau nhiều lần rà soát, loại bỏ, bổ sung, đến hết năm 2020, tỉnh ta có 65 dự án thủy điện nhỏ được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất 805,5 MW. Hiện nay, UBND tỉnh đang chấp thuận cho các doanh nghiệp tự bỏ vốn để khảo sát lập quy hoạch chi tiết với 43 vị trí tiềm năng để xây dựng công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

           

Nhà máy thủy điện Nậm Chim 1 (Bắc Yên).

           

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 51 dự án thủy điện lớn nhỏ với tổng công suất 3.656,9 MW, trong đó có 21 thủy điện nhỏ có công suất dưới 30 MW; đang triển khai xây dựng 13 dự án, tổng công suất 219,6 MW... Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của những công trình thủy điện mang lại không chỉ nguồn điện năng mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

           

Tuy nhiên, quá trình phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn vẫn còn những tồn tại bất cập, như: Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường ở một số dự án còn chưa sâu sát dẫn đến một số công trình khi đi vào vận hành gây ảnh hưởng, bức xúc với người dân khu vực triển khai dự án. Một số thủy điện còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành một số quy định về an toàn hồ đập, hồ chứa nước, như: chưa phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện; cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập; phương án đối phó với tình trạng khẩn cấp; cơi nới đập để tích nước... gây ảnh hướng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa khô.

           

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước, siết chặt quản lý các thủy điện vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, đề xuất quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ đập, phương án vận hành hồ chứa, phương án cắm mốc hành lang hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện... đảm bảo phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững. 

           

Cùng với những giải pháp quản lý chặt chẽ các công trình thủy điện nhỏ, tỉnh ta đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời, đây là những nguồn năng lượng sạch, bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp với Viện Năng lượng khảo sát đánh giá tiềm năng điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung tiềm năng điện gió, điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) với tổng công suất 1.600 MW. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư các công trình điện gió, điện mặt trời trên địa bàn.

           

Là huyện có nhiều nhà máy thủy điện nhất tỉnh, Mường La hiện có 4 thủy điện lớn, 19 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (14 thủy điện đang phát điện, 2 đang thi công và 3 chuẩn bị đầu tư) chiếm tới 90% sản lượng điện của toàn tỉnh. Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy, cho biết: Hiện nay, huyện không chủ trương phát triển các thủy điện nhỏ có công suất dưới 10 MW, mà tập trung quản lý chặt chẽ các thủy điện hiện có đảm bảo hoạt động hiệu quả bền vững. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, thu hút đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời tại vùng lòng hồ thủy điện; phát triển năng lượng gió tại khu vực các xã vùng cao như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân.

           

Tại huyện vùng cao Bắc Yên, với hệ thống sông, suối có độ dốc lớn nên thích hợp phát triển thủy điện, trên địa bàn huyện, hiện có 14 thủy điện vừa và nhỏ (10 thủy điện đang phát điện, 4 thủy điện đang thi công). Đồng chí Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Địa phương tập trung quản lý các công trình thủy trên địa bàn, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân. Đồng thời, nghiên cứu, thu hút đầu tư vào phát triển điện gió, hiện nay, huyện có 2 dự án điện gió tại xã Tà Xùa (công suất 48 MW), xã Hồng Ngài (công suất 108 MW) được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch điện 8.

           

Việc quản lý chặt chẽ các thủy điện nhỏ, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió là hướng đi phù hợp, là xu thế tất yếu, không chỉ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo thêm nguồn điện cho đất nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, theo hướng xanh, nhanh và bền vững.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới