Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

Trước nhu cầu sử dụng ngày càng lớn của người dân, hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng phát triển nhanh, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng này được bày bán dưới nhiều hình thức tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, trên mạng xã hội... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Sở Y tế đã tăng cường tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép hành nghề dược, phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

 

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra hoạt động kinh doanh dược phẩm tại Nhà thuốc An Bình (Thành phố).

 

Hiện, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, song số lượng các cơ sở kinh doanh loại hàng hóa này khá nhiều. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở kinh doanh dược phẩm đang hoạt động, gồm: 19 doanh nghiệp, 79 nhà thuốc, 671 quầy thuốc, 106 đại lý, 125 tủ thuốc trạm y tế xã, 1 cơ sở bán lẻ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Các cơ sở kinh doanh dược phẩm đều được Sở Y tế thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (đối với cơ sở bán buôn), thực hành tốt bán lẻ thuốc (đối với cơ sở bán lẻ).

Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 17 ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Sở Y tế đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người tiêu dùng khi chọn mua các sản phẩm dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phát động toàn dân cung cấp thông tin, tố giác hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tăng cường lấy mẫu, kiểm nghiệm, phân tích để kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện việc kết nối mạng các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh để kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, đến nay, đã có 142 cơ sở kinh doanh dược phẩm, kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Quốc gia”.

Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, từ tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra tại 51 cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử phạt hành chính 17 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền vi phạm hành chính gần 20 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu về việc thực hiện ghi chép sổ sách, niêm yết giá thuốc, sắp xếp thuốc và các sản phẩm khác, bán thuốc nhưng không có đơn của bác sỹ..., không phát hiện các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm và phân tích đối với 949 mẫu thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, trong đó, tỷ lệ mẫu đạt 96,52%; mẫu không đạt chiếm 0,42%; mẫu gửi kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu không kết luận là 0,95% và 2,11% mẫu chưa có kết luận.

Đối với thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; sản phẩm chủ yếu được bày bán tại các nhà thuốc, quầy thuốc; riêng đối với mỹ phẩm được bán chung với các loại hàng hóa khác tại các cửa hàng bán tạp hóa, qua Website thương mại điện tử và các trang mạng xã hội rất thuận lợi, dễ dàng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, gây khó khăn trong công tác quản lý, do việc xác định chủ thể vi phạm, nơi kinh doanh hoặc kho chứa hàng hóa của các đối tượng... Sở Y tế đã tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng không mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ghi rõ là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe” trên nhãn mác, bao bì; không có cụm từ “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác nếu có; những sản phẩm mà phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị hoặc chữa khỏi dứt điểm, sản phẩm tốt nhất... đều là những sản phẩm vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, khi có tố cáo, phản ánh của công dân, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Để quản lý tốt các cơ sở kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới