Quả sơn tra Thuận Châu gặp khó

Những năm gần đây ở vùng cao cây sơn tra được nhắc đến là cây trồng đa mục tiêu vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa là cây phủ xanh đất rừng. Tuy nhiên, mùa thu hoạch năm nay, giá quả Sơn tra xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

 

Thành viên HTX Nặm Búa thu hái quả sơn tra.

 

Xã Long Hẹ, là một trong những xã vùng cao có diện tích trồng sơn tra lớn nhất huyện Thuận Châu với trên 600 ha, trong đó hơn 350 ha cho thu hoạch với tổng sản lượng ước đạt trên 1.400 tấn quả. Mùa thu hoạch năm nay bắt đầu từ tháng 8, thời điểm đầu mùa thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng càng đến lúc thu hoạch rộ thì giá giảm liên tục, đến nay chỉ còn 1.000 đồng/kg. Theo tính toán, tiền thuê nhân công thu hái, hiện cũng mất 1.000 đồng/kg, chưa kể tiền xăng xe vận chuyển từ các đồi, nương về điểm thu mua, nên nhiều gia đình đành để sơn tra chín rụng trên nương mà không thu hái.

Cây sơn tra ở Long Hẹ được trồng đại trà, nhiều năm liền cho hiệu quả tốt. Đặc biệt, ở đây từ năm 2007 đã thành lập HTX Nặm Búa, với 21 thành viên, trồng trên 200 ha cây sơn tra, trong đó 80 ha cho thu hoạch. Nhưng, vụ thu hoạch táo sơn tra năm nay, từ giám đốc đến các thành viên đều đứng ngồi không yên khi đầu ra ùn ứ mãi.

Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX Nặm Búa, chia sẻ: Năm 2019, HTX thu được trên 300 tấn quả, giá bán 5.000 - 6.000 đồng/kg nên vẫn có lãi. Năm nay, sơn tra được mùa, tổng sản lượng của HTX ước đạt trên 500 tấn, nhưng giá bán chỉ còn 1.000 đồng/kg nên lỗ rất lớn. Mặc dù HTX đã tích cực liên hệ với các đơn vị chế biến quả sơn tra tại tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên để bán, nhưng giá thấp không đủ chi phí vận chuyển.

Làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu về giải pháp tìm đầu ra cho quả sơn tra ở Long Hẹ, chúng tôi được biết, không chỉ ở Long Hẹ mà ở các xã vùng cao của Thuận Châu (Nậm Lầu, Bản Lầm, Muổi Nọi, Mường É, Phổng Lái, Chiềng Bôm, Co Mạ, Pá Lông, Co Tòng, Long Hẹ, Púng Tra) đều trong cảnh tương tự. Hiện, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện có trên 5.000ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 1.000 ha, sản lượng quả năm nay ước đạt 4.000 tấn. Trên địa bàn huyện chưa cơ sở chế biến, toàn bộ quả sơn tra chủ yếu do tư thương thu mua nên bấp bênh, không ổn định.

Theo ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Trước mắt để tránh lãng phí, phòng phối hợp cùng với các đơn vị, các xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tự sơ chế, chế biến, như: Thái lát quả phơi khô, chế biến rượu táo mèo. Cây sơn tra đang cần có giải pháp phát triển bền vững hơn.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới