Phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới

Trước diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp và khó lường, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các HTX, hộ kinh doanh phát triển mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản, đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu đối với một số cây trồng thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, để chuyển đổi sang trồng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nghiên cứu trồng khảo nghiệm các giống cây trồng cho thời điểm thu hoạch trái vụ, nhằm rải vụ sản xuất kéo dài thời gian thu hoạch. Tiếp tục rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản tổ chức các hội nghị vùng nguyên liệu. Đặc biệt, hướng dẫn nhân dân phát triển mạnh các loại hình, mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản gắn với dịch vụ bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

           

Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP. Hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, HTX xây dựng các nhà lạnh, kho lạnh, container lạnh để bảo quản, kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn có kế hoạch thu mua nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản để tăng giá trị sản phẩm nông sản và giảm áp lực đối với xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi của tỉnh.

           

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Nghiên cứu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm Sơn La tại các tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa vào các siêu thị, trung tâm nông sản, các hệ thống cửa hàng nông sản cao cấp.

           

Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông sản tới các cấp, các ngành, huyện, thành phố, doanh nghiệp, HTX, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản kịp thời tại các thị trường có nhu cầu.

           

Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX duy trì hoạt động xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch và dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, tránh các rủi ro về kinh tế.

           

Lựa chọn doanh nghiệp, HTX trong tỉnh có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh xuất khẩu, hệ thống bán hàng lớn để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình thu gom, xuất khẩu nông sản lớn của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước với chi phí thấp.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới