Phù Yên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Vùng đất Phù Yên hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp đa dạng. Những năm qua, Phù Yên tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

 

Trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên)

Ảnh: PV

 

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Phù Yên tập trung giảm dần diện tích cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, củ an toàn; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của 4 tiểu vùng kinh tế. Trong đó, tại các xã vùng Mường, hình thành vùng cây ăn quả, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; thị trấn Phù Yên và các xã vùng Huy, tập trung thâm canh lúa nước theo hướng canh tác hữu cơ; các xã vùng lòng hồ sông Đà thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả; các xã vùng cao, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi đại gia súc…

Nhờ vậy, đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2020, tổng diện tích cây lương thực có hạt trên địa bàn huyện hơn 15.500 ha, sản lượng đạt trên 66.000 tấn. Vận động nhân dân chuyển đổi gần 200 ha cây hiệu quả thấp trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên hơn 2.600 ha, sản lượng gần 10.000 tấn quả/năm; duy trì hơn 550 ha cây rau màu các loại với sản lượng trên 6.800 tấn/năm; hơn 300 ha cây chè với sản lượng búp tươi khoảng 1.500 tấn/năm…

 

 

Nông dân xã Mường Do (Phù Yên) thu hái chè cổ thụ

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc trên 100.000 con, gia cầm hơn 800.000 con; duy trì hơn 460 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, khai thác hiệu quả hơn 3.000 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình và các hồ thuỷ lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng, khai thác thủy sản. Hiện, trên địa bàn toàn huyện có 638 lồng cá, sản lượng thuỷ sản nuôi và đánh bắt đạt 1.450 tấn/năm.

Đặc biệt, Phù Yên đã xây dựng và triển khai thành công dự án hỗ trợ sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Quang Huy, Huy Tân với diện tích 150 ha; gạo đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, được khách hàng tin dùng, mang lại một hướng đi mới hiệu quả trên vựa lúa Mường Tấc...

 

Cùng với đó, Phù Yên thường xuyên rà soát, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác; triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

 

Trồng rau theo hướng hữu cơ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc (Phù Yên)

Trong năm qua, thành lập mới 12 HTX nông nghiệp, hiện toàn huyện có 40 HTX với gần 4.500 thành viên, có vốn điều lệ trên 124 tỷ đồng. Duy trì và phát triển 4 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn huyện, trong đó: 2 chuỗi quả an toàn (HTX chanh leo Khu Han, HTX cam hữu cơ), 2 chuỗi rau (HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, HTX nông nghiệp Tây Bắc); hỗ trợ 13 chuỗi giá trị phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, huyện chỉ đạo xây dựng 6 sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh, trong đó: 2 sản phẩm đạt 4 sao (cao an xoa, tinh dầu sả Như Ý); 4 sản phẩm đạt 3 sao (miến dong, quýt ngọt Nghĩa Hưng, nước cốt chanh leo, chè Mường Do), nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 8 sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương... Nông nghiệp từng bước phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên đã tạo diện mạo mới ở vùng nông thôn trên địa bàn.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Phù Yên tập trung rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí, từng xã, từng bản trên địa bàn, huyện huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, với với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động nhiều nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình khác nhau để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn... 

 

 

Mô hình chăn nuôi lợn của người dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên)

Điển hình là việc tổ chức hiệu quả chương trình “Ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng NTM”, huyện đã thành lập các tổ công tác vào thứ 7 hằng tuần, xuống 2 xã Tân Lang và Tường Phù là những xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2020, cùng nhân dân tham gia xây dựng các công trình, như: đường giao thông, nhà văn hóa, trồng hoa, dọn vệ sinh môi trường… Chương trình đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần đưa 2 xã Tân Lang và Tường Phù cán đích NTM theo đúng kế hoạch. Đến nay, huyện Phù Yên có 7 xã đạt chuẩn NTM; 14 xã đạt từ 10 -16 tiêu chí; 5 xã đạt từ 8-9 tiêu chí; không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí.

 

Phát huy những kết quả đạt được, Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở một số vùng, một số sản phẩm theo thị hiếu của thị trường; chú trọng phát triển HTX, thúc đẩy liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từng bước hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới