Phù Yên chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Huyện Phù Yên hiện có 41.000 con trâu, bò; hơn 40.000 con lợn; gần 20.000 con dê; hơn 8.000 con ngựa và hơn 450.000 con gia cầm. Để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh vào mùa đông, các cơ quan chức năng của huyện đã và đang tích cực tổ chức tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp dự trữ thức ăn và che chắn chuồng trại cho vật nuôi trong những ngày rét đậm.

 

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Yên hướng dẫn người dân làm chuồng và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

 

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Yên tới bản Suối Làng, xã Huy Bắc kiểm tra các chuồng nuôi nhốt gia súc và dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong những ngày rét đậm của các hộ chăn nuôi. Bên khu chuồng làm cách xa nhà gần 20 m, nuôi 8 con trâu có chứa rất nhiều rơm khô ở bên cạnh. Chủ hộ Đinh Văn Kiên, nói: Được cán bộ chuyên môn huyện, xã hướng dẫn, gia đình tôi đã để gần 70 m2 đất làm chuồng nuôi nhốt gia súc và chuẩn bị bạt che chắn cho đàn trâu trong mùa đông năm nay. Do vụ mùa vừa qua, mưa lũ gây thiệt hại toàn bộ diện tích lúa không được thu hoạch, vì vậy tôi đã chủ động mua 3 xe ô tô rơm hết 1,8 triệu đồng, dự trữ làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn trâu.  

Cùng ở bản Suối Làng, gia đình anh Hà Văn Chung cũng chủ động làm chuồng và dự trữ rơm khô cho 12 con bò. Anh Chung chia sẻ: Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, gây thiệt hại không nhỏ tới sản xuất và chăn nuôi tại địa phương. Do vậy, khi được các cán bộ huyện, xã hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi, chúng tôi đều đồng tình hưởng ứng và thực hiện đúng theo hướng dẫn để bảo vệ đàn bò trong những ngày rét đậm có thể xảy ra trong mùa đông năm nay.

Được biết, để chủ động phòng, chống đói rét cho vật nuôi trên địa bàn, UBND huyện Phù Yên đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc, dự trữ nguồn thức ăn, tổ chức tiêm các loại vắc xin phòng bệnh và phun thuốc tiêu độc, khử trùng các khu chăn nuôi. Theo đó, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Yên đã thực hiện tiêm 40.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trâu, bò; tiêm 200.000 liều vắc xin phòng bệnh niu-cát-xơn cho gia cầm và tổ chức phun 750 lít hóa chất với tổng diện tích 1.400.000 m2 chuồng nuôi, đạt hơn 70% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Huân, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Yên, cho biết: Đến thời điểm này trên địa bàn huyện Phù Yên không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn vật nuôi. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc; thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, ở các xã Suối Tọ, Suối Bau, Kim Bon, Mường Bang, Mường Lang là những địa phương chăn nuôi nhiều, nhưng do nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại bởi mưa lũ nên bà con không có rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông như những năm trước, vì vậy, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y đang tích cực phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng cỏ, ngô, khoai lang... và hướng dẫn kỹ thuật ủ chua dự trữ thức ăn cho vật nuôi; hướng dẫn bà con các biện pháp che chắn chuồng nuôi tránh mưa tạt, gió lùa và không chăn thả gia súc trong những ngày rét đậm dưới 120C.   

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện, xã và sự tích cực vào cuộc của các hộ chăn nuôi trong việc chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và áp dụng kỹ thuật ủ chua dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông, chắc chắn sẽ giúp đàn vật nuôi ở huyện Phù Yên phát triển khỏe mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cách ủ chua cỏ xanh, rơm xanh, thân cây ngô

Chuẩn bị: Túi nilon, 100 kg thân lá ngô, rơm xanh hoặc thân lá cỏ xanh, 10 kg cám gạo, 2 kg muối (có thể bổ sung thêm 2-4 kg rỉ mật).

- Bước 1: Đem cắt nhỏ thân lá cỏ, rơm xanh hoặc cây ngô từ 2-5cm. Nếu nuôi nhiều gia súc, có thể đầu tư máy băm cỏ để nâng cao năng suất và độ đồng đều. Sau đó đem phơi nắng đến khi vò lá cỏ trong lòng bàn tay không ra nước là được.

- Bước 2: Trộn đều cỏ đã phơi nắng với 8 kg cám gạo.

- Bước 3: Đưa cỏ vào bao ủ và rải thành các lớp dày 10-15cm, rắc 1 nắm muối và 1 nắm cám gạo (phần cám gạo còn lại) lên trên bề mặt mỗi lớp rồi nén chặt xuống và tiếp tục làm các lớp khác cho đến khi đầy túi.

- Bước 4: Buộc chặt miệng túi và để ở nơi thoáng mát, không bị mưa tạt.

Chú ý: Sau khi ủ từ 2-3 tuần ở nơi thoáng mát là có thể lấy ra cho gia súc ăn được. Mỗi lần cho ăn chỉ lấy bằng với nhu cầu ăn của đàn gia súc, sau đó phải buộc chặt miệng túi để tránh làm hư hỏng thức ăn đã ủ.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới