Phụ nữ Vân Hồ tích cực phát triển kinh tế

Trên con đường dẫn vào trung tâm huyện Vân Hồ, không khó để người đi đường nhận ra hệ thống nhà lưới trồng rau được đầu tư hiện đại. Được biết, đây là khu nhà lưới trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau an toàn Vân Hồ. Dừng xe trước hệ thống nhà lưới, chúng tôi gặp chị Mùi Thị Hương ở bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, thành viên HTX rau an toàn Vân Hồ, chị Hương, chia sẻ: Gia đình tôi trước đây trồng ngô và lúa, lao động vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2015, gia đình tôi tham gia HTX rau an toàn Vân Hồ, với 500 m² nhà lưới được huyện hỗ trợ và 1.200 m2 đất ruộng chuyển đổi sang trồng rau. Mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lời gần 100 triệu đồng, so với trồng lúa thì hiệu quả cao hơn rất nhiều, thu nhập ổn định.

 

Thành viên HTX rau an toàn Vân Hồ trồng rau theo quy trình VietGAP.

Để tìm hiểu về HTX rau an toàn Vân Hồ, chúng tôi tìm gặp chị Đinh Thị Xoa, Giám đốc HTX. Qua trò chuyện được biết, HTX được thành lập tháng 4/2016, tiền thân là tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Vân Hồ. Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, độ ẩm cao, khí hậu ôn hòa, HTX đã tập trung vào trồng rau ăn lá, như: Cải ngồng, cải ngọt, cải chíp, cải mèo, rau muống... vừa dễ chăm bón, thu hoạch nhiều lần và hiệu quả kinh tế cao. Qua thực tế sản xuất cho thấy, hiệu quả từ việc trồng rau ổn định, thu nhập cao hơn từ 8-10 lần so với lối canh tác lúa truyền thống nên người dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Hiện nay, HTX có 21 thành viên, tổng diện tích gieo trồng trên 6 ha. Nhận thấy hiệu quả từ việc sản xuất rau an toàn, tháng 6/2017, 5 hộ thành viên là đồng bào Mông ở bản Bó Nhàng 2 đã tách ra thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bó Nhàng 2 và 4 thành viên ở bản Hang Trùng 2 tách ra thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hang Trùng 2. Các tổ hợp tác đã liên kết cùng với HTX rau an toàn Vân Hồ mở rộng quy mô sản xuất và sản lượng rau màu, góp phần tạo ra vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng đến phục vụ các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn. Vừa kết thúc việc chuẩn bị rau để gửi về các siêu thị ở thành phố Hà Nội, chị Đinh Thị Xoa, Giám đốc HTX, nói: Hiện toàn bộ thành viên trong HTX đều sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng rau trung bình của HTX đạt 5 tấn/tuần. Các sản phẩm rau được cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số đơn vị tại thành phố Hà Nội, như: Công ty VIC, Công ty GIPA, Công ty Sao Việt và chuỗi cửa hàng Thiên Lý.

Trên địa bàn huyện Vân Hồ, ngoài các mô hình trồng rau của hội viên phụ nữ ở các HTX còn có các mô hình trồng cây chanh leo, cây ăn quả trên đất dốc của hội viên phụ nữ đang phát huy hiệu quả và đem lại thu nhập cao. Điển hình, có mô hình trồng chanh leo của chị Tráng Thị Mái, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tà Dê, xã Lóng Luông, với tinh thần vượt khó vươn lên, sau khi tham gia lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn do huyện Vân Hồ tổ chức, sau hơn 3 tháng theo học, chị Mái đã nắm được các kỹ thuật cơ bản của việc trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, nhất là cây chanh leo, quyết tâm làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương, chị tìm đến Công ty Nafoods Tây Bắc để mua giống chanh leo về trồng. Chị Mái cho biết: Gia đình tôi đã có 6.000 m² chanh leo, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Cứ 2 đến 3 ngày thu được khoảng 2 tạ chanh leo với giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao hơn rất nhiều so với trồng ngô. Tôi đã truyền đạt lại kinh nghiệm trồng cây chanh leo cho nhiều chị em trong bản để cùng nhau phát triển kinh tế.

Chia sẻ về vai trò của Hội LHPN huyện trong việc khuyến khích hội viên tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Hồ, thông tin: Nhằm giúp các hội viên phụ nữ vay vốn, phát triển sản xuất, Hội LHPN huyện đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 5.000 hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 68 tỷ đồng, thành lập 55 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội còn hướng dẫn các cơ sở thực hiện triển khai mô hình phụ nữ tiết kiệm làm theo lời Bác. Toàn huyện có 5.065 cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng, giúp cho 605 hộ gia đình hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế.

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, Hội LHPN huyện khuyến khích hội viên đưa các loại cây trồng mới, hiệu quả vào sản xuất, năm 2017 Hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, khảo sát diện tích đất và ký cam kết trồng cây ăn quả với 182 hộ, thuộc 7 bản, tiểu khu, gồm: Suối Lìn, Hang Trùng I, Hang Trùng II, tiểu khu Sao Đỏ I, tiểu khu Sao Đỏ 2, tiểu khu 56, Pa Cốp với tổng diện tích đất 100 ha. Bên cạnh đó, triển khai mô hình trồng chanh leo tại xã Vân Hồ và Lóng Luông; mô hình ghép cải tạo vườn tạp, mô hình trồng thâm canh cây sa nhân, thâm canh cây quýt tại các xã trên địa bàn. Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hội viên phụ nữ trên toàn huyện.

Những mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ đã thành công cho thấy tinh thần hăng say lao động, vượt lên khó khăn để tìm ra những hướng đi đúng, từng bước xóa đói nghèo, đem lại cuộc sống âm no. Đó chính là những gương điển hình tạo sự lan tỏa cho hội viên phụ nữ nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Vân Hồ nói chung học tập và nhân rộng.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới