Phòng, tránh nguy cơ gẫy đổ cây xanh trong trường học

Sau những sự việc cây phượng liên tiếp bị đổ trong trường học tại một số địa phương trong cả nước thời gian gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong các trường học.

 

 

Nhân viên Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố) kiểm tra hiện trạng cây xanh trong khuôn viên nhà trường. 

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Hầu hết tại các trường học trên địa bàn tỉnh đều có cây xanh tạo cảnh quan trường học xanh - sạch- đẹp. Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT đều chỉ đạo các trường học đảm bảo các điều kiện an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có việc phòng, tránh nguy cơ tai nạn cây xanh gẫy, đổ; trước mùa mưa lũ phải thực hiện tỉa cành, hạn chế nguy cơ gây mất an toàn. Đặc biệt, trước sự cố cây phượng gãy đổ xảy ra vừa qua tại Trường THCS Bạch Đằng (Thành phố Hồ Chí Minh) làm 1 em học sinh tử vong và nhiều em bị thương, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường học, khu nội trú, bán trú học sinh. Với những cây có nguy cơ đổ, gẫy báo cáo và đề xuất với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt bỏ; việc đốn, hạ, cắt tỉa cành cây cần thực hiện vào thời điểm không có học sinh, sinh viên trong trường. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các trường tăng cường giáo dục học sinh kỹ năng phòng, tránh tai nạn, hướng dẫn học sinh không vui chơi gần cây to, cây có nguy cơ đổ hoặc gãy cành.

 

Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố) là một trong những trường có nhiều cây xanh, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng chia sẻ: Trong khuôn viên nhà trường có khoảng 20 cây xanh, trong số đó có một số cây phượng có tuổi đời vài chục năm. Mỗi khi vào năm học mới, hoặc trước mùa mưa lũ, nhà trường đều chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị cắt tán, tỉa cành, tạo bóng râm, đề phòng cây gãy đổ. Tuy nhiên, với sự cố cây bật gốc xảy ra tại một số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk vừa qua chúng tôi cũng rất lo lắng. Song, để thẩm định cây xanh, nhất là những cây lâu năm có thực sự đảm bảo an toàn thì nhà trường không có chuyên môn. Ngay sau khi nhận có công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đã có công văn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng có chuyên môn xem xét, thẩm định các cây xanh trong nhà trường, đánh giá đúng mức độ và có biện pháp đảm bảo an toàn. Qua rà soát sẽ chặt hạ những cây có nguy cơ gãy đổ và áp dụng các biện pháp cắt, tỉa hoặc gia cố bằng trụ đỡ đối với những cây sinh trưởng bình thường để giữ không gian xanh trong trường học.

 

Còn tại Trường Tiểu học Ít Ong (Mường La), thầy giáo Nguyễn Văn Doãn, Phó hiệu trưởng thông tin: Sau khi nhận được chỉ đạo về rà soát cây xanh trong trường học, trường đã họp phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên; thành lập ban kiểm tra rà soát các cây xanh ở 4 điểm trường. Qua khảo sát, trường có một số cây phượng và cây xanh khác trồng lâu năm có nguy cơ gẫy đổ, trường cũng đã tiến hành cắt, tỉa 7 cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng vẫn tạo cảnh quan, bóng mát cho sân trường.

 

Với sự chỉ đạo khẩn trương của ngành Giáo dục và Đào tạo, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ cây xanh đã được các nhà trường trên địa bàn tỉnh quan tâm, khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đến giữa tháng 7 mới kết thúc năm học, do đó học sinh còn phải học hơn 1 tháng nữa. Hệ thống cây xanh có vai trò quan trọng trong việc tạo bóng mát cho trường, lớp trong thời gian nắng nóng mùa hè, hơn nữa thời gian này cũng là vào mùa mưa lũ. Vì vậy, ngoài giải pháp cắt tỉa và làm trụ đỡ cho cây xanh có nguy cơ mất an toàn, các nhà trường cần chủ động tuyên truyền cho em học sinh cách phòng, tránh trước nguy cơ gẫy, đổ cây xanh nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn rủi ro có thể xảy ra.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới