Phiên chợ Tết Chiềng Ơn

Từ lâu chợ phiên vùng cao Chiềng Ơn đã trở thành nét văn hóa truyền thống, bởi mang cái tình của người miền núi, với sự hồn nhiên, chân chất níu chân du khách ghé thăm. Nhất là những ngày giáp Tết, những cô gái dân tộc Kháng, dân tộc Thái với những bộ trang phục đủ màu sắc, cùng tiếng leng keng vui tai của xà tích, làm cho không khí xuân thêm rộn ràng, phiên chợ thêm rực rỡ sắc màu.

 

Bà con xã Chiềng Ơn trao đổi hàng hóa trong phiên chợ Tết.

 

Chợ phiên Chiềng Ơn họp một lần 1 tuần, vào những ngày giáp Tết, chợ nhộn nhịp hẳn lên, với đầy đủ hàng hóa, tấp nập người mua, người bán, kéo dài 1km dọc từ cổng Trạm Y tế xã đến qua Trụ sở UBND xã. Dạo quanh chợ, ấn tượng với chúng tôi là các hàng quán san sát nhau, bày bán đủ thứ, từ các đặc sản sông Đà như: cá lăng, cá quất, cá tép dầu... đến sản vật núi rừng như: rau, măng, nấm, hoa chuối rừng. Đông nhất phải nói đến các sạp hàng bán thịt trâu, thịt dê, cá tươi, là những loại thực phẩm không thể thiếu của người dân nơi đây trong mâm cỗ ngày Tết. Dừng chân tại sạp bán cá của chị Lò Thị So, bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn, chị nói: Ngày nào cũng tầm 2 giờ sáng, gia đình tôi đi cất vó ở dưới sông, ngày ít được 30-40 kg, ngày nhiều được 1-2 tạ, đổ buôn với giá 7.000 đồng/kg cá nhỏ, từ 20.000 đến 30.000/kg cá lớn. Trừ chi phí, thu nhập trung bình mỗi ngày cũng được 200- 400 nghìn đồng. Gia đình tôi vừa đổ buôn cho các thương lái vừa mang ra chợ phiên bán lẻ, riêng phiên chợ tết bán được đến 50- 60 kg.

Cùng với hàng hóa của người dân mang đến, là những tàu chợ hai tầng chở đầy ắp hàng hóa từ bánh kẹo, mứt tết, lương thực, thực phẩm của các lái buôn từ Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ... để phục vụ nhu cầu của người dân. Chị Ngần Thị Đôi, bản Tậu, xã Pá Ma Pha Khinh, chủ cửa hàng tạp hóa chia sẻ: Mấy năm gần đây cuộc sống của người dân vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã nâng lên rõ rệt. Nhu cầu về hàng hóa tăng, nhất là dịp Tết, nên chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bà con.

Không chỉ có người lớn đi chợ phiên sắm tết, mà trẻ em cũng háo hức diện những bộ quần áo mới đi chơi chợ. Chúng được thỏa sức ngắm, nhìn những món đồ chơi mà chúng thích; rủ nhau vào hàng bóng bay hay hàng bán bánh kẹo, dùng số tiền bố mẹ cho để tự sắm cho mình. Vui nhất, là các sạp hàng bán quần áo, đồ dùng sinh hoạt, chủ yếu là trang phục truyền thống dân tộc Thái, Kháng, La Ha và các phụ kiện đi kèm như khăn piêu, xà tích, đồng xu để trang trí quần áo... Hòa cùng với các chị, các bà vào gian hàng bán quần áo thổ cẩm, chọn một chiếc áo cóm lấp lánh ánh kim tuyến, chị Lò Quỳnh Hoa, bản Van Pán, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai), nói: Hôm nay hai vợ chồng xuống chợ phiên sắm ít đồ cho dịp Tết. Năm nay, mùa màng thuận lợi, thu nhập cũng khá nên không chỉ có gia đình mà còn nhiều hộ trong xã cũng đi chợ xuân, mua sắm hàng hóa, để đón cái Tết vui vẻ, đầm ấm bước sang năm mới no đủ, hạnh phúc hơn.

Tấp nập, đông vui - chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, thăm hỏi nhau, cũng là dịp để mọi người được vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động. Tiếng khèn, tiếng hát giao duyên của các chàng trai, cô gái người Thái, người Kháng càng làm cho chợ phiên ngày tết thêm náo nức, rộn ràng - Mùa xuân đã về.

Thủy Tiên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới