Phát triển nông nghiệp “xanh” ở Thuận Châu

Thuận Châu là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Phát huy tiềm năng và thế mạnh này, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với chế biến, tiêu thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.

Triển vọng từ những mô hình

           

Đến thăm mô hình bưởi của Công ty cổ phần nông sản sạch Sơn La ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, anh Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cho hay: Tháng 1/2018, Công ty triển khai trồng 10 ha bưởi ruột hồng, ruột đỏ, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật và EU, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, sử dụng toàn bộ phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, định kỳ cung cấp đạm bằng đậu tương, ngô, chuối nghiền nhỏ, phun thuốc bằng các loại thảo mộc. Năm 2020, hơn 1.000 cây bưởi to đã cho bói 10 tấn quả, phần lớn để thí nghiệm test thử về chất lượng, còn lại khoảng 2-3 tấn quả đem bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị từ miền Trung trở ra; với giá bán lẻ 150.000 đồng/kg quả loại 1; 100.000 đồng/kg quả loại 2. Với chất lượng bưởi thơm ngon, hiện tại, 10 ha bưởi đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

           

Còn HTX cá sông Đà Sơn La ở bản Ban Xa, xã Liệp Tè, lại chủ động áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi cá thương phẩm, đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm và doanh thu cao. Anh Nguyễn Thế Anh, Giám đốc HTX, cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá thương phẩm, từng bước tạo niềm tin với người tiêu dùng, HTX áp dụng quy trình VietGap vào chăm sóc đàn cá, nhờ đó hạn chế dịch bệnh, đàn cá phát triển tốt, đem lại nguồn thu ổn định cho thành viên. Với 60 lồng cá, vụ thu hoạch đầu tiên cuối năm 2020 đã xuất 70 tấn cá rô tiêu thụ tại các chợ đầu mối và nhà hàng trên địa bàn Thành phố, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân 200 triệu đồng/thành viên. Ngoài việc kinh doanh cá thương phẩm, HTX đã sản xuất, chế biến thành công sản phẩm “Cá rô phi phi lê”và đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao của tỉnh năm 2020. 

           

Các thành viên HTX cá Sông Đà Sơn La chế biến sản phẩm  OCOP "Cá rô phi phi lê" đạt 3 sao cấp tỉnh. 

           

Sản phẩm “Cá rô phi phi lê”được chứng nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao của tỉnh năm 2020. 

           

Thay đổi thói quen từ canh tác theo truyền thống chuyển sang canh tác hiện đại, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng, đến nay, huyện Thuận Châu  có trên 3.500/4.114 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao; hình thành 11 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trên 200 ha cây trồng được sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt có 1 sản phẩm được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Có 21 cơ sở trồng trọt được giấy chứng nhận sản xuất VietGAP; 5 doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; có 5 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả. Đến nay, đã xuất khẩu 1.163 tấn chanh leo, 1.831 tấn chè, 2.300 tấn cà phê và hàng trăm tấn xoài, thanh long sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Trung Đông, Nga.

           

Lãnh đạo huyện Thuận Châu tham quan mô hình trồng cây ăn quả xen ngô ngọt tại xã Bó Mười. 

           

Những kết quả bước đầu đã khẳng định các chủ trương, chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Thuận Châu đã đi đúng hướng, thúc đẩy phát triển nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.

           

Xây dựng những vùng chuyên canh

           

Xác định để nông nghiệp phát triển bền vững phải phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết và Đề án về phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xác định đây là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tổng nguồn vốn dự kiến để triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước khoảng trên 600 tỷ, còn lại là các nguồn xã hội hóa…

           

Cụ thể hóa Đề án, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình cụ thể theo từng năm và phân công rõ nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Ngay sau khi kế hoạch ban hành, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã đã bắt tay vào triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2021, huyện có 1 mô hình thanh long ruột đỏ sản xuất hữu cơ được công nhận, 3 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao; xây dựng được vùng nguyên liệu dứa, ngô ngọt theo chuỗi giá trị liên kết…

           

Triển khai thực hiện Đề án, xã Chiềng Pha phấn đấu cuối năm 2021 có mô hình thanh long ruột đỏ được công nhận hữu cơ. Đồng chí Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Toàn xã có 27 ha thanh long ruột đỏ trồng hữu cơ; năm 2020 có hơn 7 tấn quả xuất sang thị trường Nga, tuy được thị trường khó tính đón nhận nhưng sản phẩm vẫn chưa được công nhận hữu cơ. Xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tiếp tục vận động, quản lý giám sát các hộ trồng thanh long khi thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ, rõ ràng về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đảm bảo sản phẩm được công nhận hữu cơ, góp phần năng cao năng lực canh tranh so với sản phẩm sản xuất truyền thống.

   

Thành viên HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha chăm sóc thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ. 

        

Là đơn vị được giao chủ trì, thực hiện nhiều dự án nông nghiệp trong năm 2021, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Để hoàn thành kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đơn vị đã đôn đốc các HTX và hộ dân trồng xong 7 ha dứa tại xã Co Mạ, 10 ha ngô ngọt tại xã Bó Mười, đến nay cây sinh trưởng phát triển tốt. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các hộ dân chuyển đổi 100 ha diện tích lúa bị hạn và diện tích sắn ngô năng suất thấp sang trồng dứa và ngô ngọt. Đồng thời, đơn vị cũng đang lựa chọn các sản phẩm để hỗ trợ, lồng ghép các nguồn vốn phấn đấu chuẩn hóa 3 sản phẩm OCOP của huyện đạt từ 3 sao trở lên...

           

Phát triển nông nghiệp "xanh" bền vững

           

Mục tiêu mà huyện Thuận Châu phấn đấu đến năm 2025 là hình thành và phát triển 15 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản, tập trung phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, huyện (vùng chè, sắn, mía, rau, ngô, cà phê, dược liệu, gia súc, gia cầm, thủy sản…); duy trì và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ; triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản...

           

HTX nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ chăm sóc gà đen theo quy trình VietGap.

           

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư huyện ủy cho biết: Giải pháp trước mắt, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền để tất cả người dân hiểu lợi ích của sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất; tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn chứng nhận; có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Tăng cường xúc tiến thương mại ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm…

           

Người dân chăm sóc chè hữu cơ ở xã Phổng Lái.

           

Với những mục tiêu, lộ trình được đề ra cụ thể trong từng năm, phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, các xã gắn với người đứng đầu trong triển khai thực hiện, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Thuận Châu trong thực hiện khâu đột phá, tin tưởng, bức tranh nông nghiệp huyện Thuận Châu sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới