Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững

Tại Hội nghị Tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi ngày 8/10/1961, Bác Hồ nói: “Tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần. Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, vì miền núi có nhiều khả năng chăn nuôi. Chú ý thực hiện tốt các chính sách…”(*).

Sản phẩm nhãn của Hợp tác xã Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu)

được bày bán tại Showroom Trung tâm trải nghiệm hoa quả ở Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Khắc ghi lời dạy của Bác, gần 60 năm qua, ngành Nông nghiệp &PTNT tỉnh ta đã thường xuyên, liên tục hưởng ứng và phát động các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước và yêu cầu phát triển của ngành. Từ năm 1961, Ngành Nông nghiệp Sơn La đã tập trung vận động nông dân phá bỏ tập quán cấy lúa một vụ; cải tiến nông cụ; ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, khai hoang thêm ruộng nước; cung cấp cây giống, con nuôi mới cho nông dân; thành lập các nông trường, trạm, trại... Giai đoạn 1971-1975, để phù hợp với thời kỳ phát triển mới, Ngành Nông nghiệp Sơn La đã chuyển sang tập trung cải tiến quản lý hợp tác hóa, cải tiến kỹ thuật; điều tra, quy hoạch, phân vùng kinh tế... Kết quả, đã hình thành các vùng kinh tế gồm: Vùng lâm nghiệp đặc sản kết hợp nông nghiệp; vùng kinh tế chè, bò sữa Mộc Châu; vùng kinh tế ngô, chè, bò thịt Nà Sản; vùng kinh tế cánh kiến Sông Mã; vùng tre, nứa sông Đà; trên phạm vi toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành chuyển từ hợp tác xã bậc thấp lên hợp tác xã bậc cao... Giai đoạn 1976-1986, Ngành Nông nghiệp Sơn La chuyển sang tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, củng cố và tăng cường các đơn vị kinh tế quốc doanh, chú trọng cải tiến công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp... Nhờ đó, sản xuất lương thực ở tỉnh phát triển mạnh, giảm bớt việc huy động và điều hòa lương thực từ Trung ương; nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh, hợp tác xã có trang thiết bị chế biến ngô, sắn; mở rộng vùng chè, mía tập trung; cung cấp giống với 2 phương pháp ươm quả và dâm cành đối với cây chè; phát triển chăn nuôi ở cả 3 khu vực: Quốc doanh, tập thể và gia đình...

Khách tham gia du lịch trải nghiệm tại vườn cam ở bản Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên)

Nổi bật từ năm 2015 trở lại đây, trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập, ngành Nông nghiệp Sơn La đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; sự đồng lòng của nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp với nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích cây ăn quả trên đất dốc và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn đã và đang đạt kết quả tích cực; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư hợp tác, xây dựng các nhà máy chế biến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Toàn tỉnh có gần 500 ha đất sản xuất được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước; có gần 50 ha nhà lưới, nhà kính, nhà màng; 10.418 ha cây ăn quả ghép cải tạo; gần 57.440 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 250.246 tấn/năm, trong đó có gần 27.000 ha cây ăn quả trồng trên đất dốc; duy trì, phát triển 61 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn…

Đến nay, đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung với trên 71.649 ha cây công nghiệp, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt 650.224 tấn/năm; có 7.589 ha rau các loại, sản lượng đạt 104.553 tấn/năm; 332 ha hoa các loại, sản lượng đạt hơn 450 triệu bông/năm. Chăn nuôi phát triển, toàn tỉnh có: 279.805 con bò thịt, 25.290 con bò sữa, 141.651 con trâu, 612.655 con lợn, 230.940 con dê, hơn 6 triệu con gia cầm; có  9.318 lồng nuôi cá. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%.

Nông dân bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) trồng rau an toàn trong nhà lưới.

Chất lượng sản phẩm nông sản có sự phát triển vượt bậc, toàn tỉnh có 15 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước Thái Lan; 16 mặt hàng nông sản của tỉnh tham gia xuất khẩu sang thị trường 12 nước trên thế giới. Sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2018 đạt gần 92.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 115 triệu USD. Các mặt hàng nông sản của tỉnh đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro… với số lượng lớn. Sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn) chăm sóc vườn na theo quy trình VietGAP.

 

Phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của những năm đổi mới, thời gian tới Ngành Nông nghiệp Sơn La sẽ tích cực tham mưu với các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên (đất, nước, rừng); quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến; bảo tồn đa dạng sinh học; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, kèm cơ chế giám sát chặt chẽ thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh...

(*)Báo Nhân dân, số 2757, ngày 9/10/1961)

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới