Phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho gia súc

Để có nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp đảm bảo thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ổn định và phát triển trong điều kiện diện tích bãi chăn thả ít, chất lượng cỏ trồng hạn chế.

 

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ủ xanh thức ăn gia súc từ thân cây ngô và cỏ xanh

cho các hộ gia đình tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

 

Năm 2016, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi thực hiện Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc”. Sau 3 năm triển khai, đề tài đã thu được những kết quả nhất định.

Với thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018, Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc” đã khảo sát, đánh giá sự thích hợp các mô hình ở địa phương, triển khai 6 hoạt động nghiên cứu ở 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò với quy mô khác nhau tại tỉnh Sơn La và Hà Giang để áp dụng 3 quy trình bảo quản, chế biến cỏ và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Đồng thời, sử dụng các loại cỏ, rơm, rạ, cây ngô để chế biến dưới 3 hình thức: Thức ăn ủ chua, thức ăn phơi khô và bánh dinh dưỡng. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 3 hoạt động, gồm: Phơi khô rơm rạ và cỏ, xác định sự suy giảm chất dinh dưỡng theo thời gian bảo quản; ủ xanh thức ăn gia súc từ thân cây ngô và cỏ xanh; quy trình sản xuất bánh dinh dưỡng từ cỏ xanh, cám, bột ngô hoặc sắn, rỉ mật, muối.

Tại tỉnh ta, Khoa Nông Lâm trường Đại học Tây Bắc đã trồng thử nghiệm 10 giống cây, cỏ và đánh giá lựa chọn được 2 giống có khả năng phát triển tốt đạt năng suất cao là VA 06 và Guatemala. Sau thời gian thí nghiệm ủ thức ăn gia súc từ cỏ xanh tại trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Lê Văn Duẩn, xã Chiềng Mung (Mai Sơn), với phương pháp ủ phù hợp với điều kiện địa phương, dễ áp dụng, dễ thực hiện. Ông Lê Văn Duẩn cho biết: Với số lượng đàn trâu, bò lớn như hiện nay thì việc có ứng dụng kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò sẽ chủ động được nguồn thức ăn, dinh dưỡng cho đàn gia súc vào những thời điểm không đúng vụ cỏ. Hơn nữa, thời gian bảo quản kéo dài, chủ động được nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc, nguồn thức ăn sạch, nên đàn gia súc phát triển và chất lượng thịt tốt hơn. Đây là điều kiện để gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Cự, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Qua kết của nghiên cứu ở 3 trang trại tham gia dự án cho thấy, người dân nên cắt cỏ phơi khô tốt nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, lúc cỏ mới ra hoa, có sản lượng và thành phần dinh dưỡng cao. Tránh phơi quá nắng, cỏ sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng, nhất là vitamin. Trong khi phơi, cỏ chưa khô hoặc lúc có mưa nên gom cỏ thành đống, che phủ giữ cho cỏ khỏi mất phẩm chất, cỏ khô phẩm chất tốt vẫn giữ được màu xanh, thân, cuống và lá đều mềm và có mùi thơm dễ chịu, đáp ứng đủ dinh dưỡng, nguồn thức ăn cho gia súc, giúp gia súc phát triển nhanh.

Giáo sư, Tiến sĩ Dương Ngọc Hải, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" đánh giá: Đề tài "Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc" đã nghiên cứu lựa chọn, khuyến cáo kỹ thuật trồng cỏ cũng như chăm sóc, đưa vào chế biến ở một số địa phương của tỉnh Sơn La đã cho kết quả khả quan. Mong rằng trong thời gian tới, đề tài sẽ triển khai đưa vào thực tế để thực hiện. Đồng thời, rất cần sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân, giúp người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Kết quả nghiên cứu của đề tài tại tỉnh ta sẽ giúp các trang trại chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở địa phương và các vùng lân cận tiếp cận với quy trình bảo quản và chế biến thức ăn thô xanh, đảm bảo chế biến, cải thiện thành phần dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu, giảm ảnh hưởng của độc tố và các chất kháng dinh dưỡng, dự trữ nguồn thức ăn lâu dài cho gia súc, khắc phục tính thời vụ của cây trồng, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn thô xanh quanh năm để phát triển chăn nuôi gia súc bền vững.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới