Phát triển nghề nuôi cá lồng ở Liệp Tè

Khai thác tiềm năng mặt nước của hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân xã Liệp Tè (Thuận Châu) đã phát triển nuôi cá lồng nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Người dân bản Ban Xa, xã Liệp Tè phát triển nghề nuôi cá lồng.

 

Xã Liệp Tè có khoảng 17.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La có lợi thế để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thời gian đầu chỉ có vài hộ nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Nghề nuôi cá lồng ở Liệp Tè chỉ thực sự phát triển từ năm 2016, khi huyện Thuận Châu phối hợp với Công ty Thủy sản Sông Đà đưa vào nuôi thí điểm 30 lồng cá tại xã Liệp Tè, gồm các loại cá: Lăng, chép, rô, trắm... Điều kiện tự nhiên phù hợp, nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh, nguồn thức ăn phong phú và chăm sóc theo quy chuẩn kỹ thuật nên cá lớn nhanh, phát triển khỏe mạnh và ổn định.

 

Thấy được lợi ích kinh tế từ việc nuôi 30 lồng cá thí điểm, cấp ủy, chính quyền xã Liệp Tè xác định mục tiêu phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, tạo sinh kế mới cho người dân. Xã đã thành lập Tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hộ gia đình nuôi cá liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; vận động, hỗ trợ, định hướng nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích người dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất theo hình thức gối vụ để luôn đảm bảo số lượng, chất lượng cá cung cấp ra thị trường.

 

Anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, chia sẻ: HTX Nuôi trồng thủy sản Liệp Tè được thành lập vào cuối năm 2016, với 47 hộ gồm 200 lồng cá. Các hộ thành viên HTX ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; tuân thủ đúng quy trình nuôi, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ hiệu quả mô hình hoạt động của HTX, năm 2018, HTX mở rộng liên kết và tăng số lượng lồng cá lên 320 lồng. Đến nay, các thành viên HTX đã nắm vững kỹ thuật nuôi cá, sản phẩm cá của HTX đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Từ nuôi cá lồng mà nhiều hộ gia đình ở Liệp Tè đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, điển hình, như: Gia đình anh Quàng Văn Thành, bản Ban Xa, thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Liệp Tè. Trước đây, gia đình anh Thành thuộc diện hộ nghèo “bền vững” ở xã, năm 2017 được tuyên truyền, vận động phát triển nuôi cá lồng và tham gia HTX để sản xuất theo chuỗi liên kết nên cuộc sống của gia đình anh mới dần khá hơn. Ban đầu, chỉ với vài lồng nuôi cá được làm từ những vật dụng thủ công, đến nay gia đình anh đã phát triển lên 12 lồng cá được làm bằng khung sắt kiên cố, mỗi năm thu khoảng 120 triệu đồng từ nuôi cá lồng và đánh bắt, năm 2019 gia đình anh Thành đã thoát nghèo. Hỏi về kỹ thuật nuôi cá, anh Thành say sưa: Khi chọn cá giống phải có kích thước phù hợp độ tuổi, đồng đều về kích cỡ, không dị hình và xây xát, không có dấu hiệu của bệnh. Mật độ thả cá phù hợp với kích thước lồng nuôi, lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi, tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế.

 

Theo các hộ nuôi cá lồng ở Liệp Tè chia sẻ: Phải thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi để đảm bảo nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy cho cá, ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh; khi nước chảy mạnh phải có biện pháp che chắn làm giảm lưu lượng của nước qua bè. Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, nhất là khi cho ăn để phát hiện bệnh dịch kịp thời và có biện pháp xử lý.

 

Nói về sự phát triển của nghề nuôi cá lồng trên địa bàn, ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 800 lồng cá. Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản năm 2019 trên địa bàn xã đạt 800 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi đạt trên 60 tấn với giá bán giao động từ 70.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, xã Liệp Tè đã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản.

 

Với những tín hiệu tích cực từ nuôi cá lồng mang lại, chính quyền và người dân ở Liệp Tè mong muốn tiếp tục được các ngành chức năng quan tâm, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; hỗ trợ bà con phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới