Phát triển mạnh vùng cây ăn quả ở Mai Sơn

Với chủ trương quy hoạch xây dựng vùng cây ăn quả phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu, trong những năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả..., đến nay diện tích cây ăn quả toàn huyện đã lên đến 6.330 ha, giá trị xuất khẩu các sản phẩm quả chủ lực năm 2018 đạt gần 4,8 triệu USD.

Các hộ dân, HTX tham quan mô hình trồng na của HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn.

Trước năm 2016, Mai Sơn chỉ có 1.421 ha cây ăn quả, gồm: xoài, mận, nhãn, cây có múi, na dai và một số loại cây ăn quả khác; trong đó, 1.269 ha cho sản phẩm. Song, phần lớn là các loại giống bản địa, phát triển từ cây thực sinh, sản xuất mang tính tự phát; chưa ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật; giá cả thấp, trung bình 1 ha cây ăn quả chỉ đạt 40-45 triệu đồng/năm. Khắc phục tình trạng đó, Đảng bộ huyện đã triển khai rộng rãi chủ trương phát triển cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa; đưa các loại giống cây có năng suất, chất lượng thay thế những loại cây trồng hiệu quả kém; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản... trong quá trình triển khai, tổ chức các đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả, như: Phát triển cây chanh leo, mô hình nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái tại Mộc Châu; trồng sơn tra ghép mắt tại Bắc Yên; mô hình rải vụ, kéo dài mùa vụ, ra hoa trái vụ và kỹ thuật sản xuất các sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam... Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị về quy trình sản xuất, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, ký kết chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc rải vụ, kéo dài mùa vụ phục vụ xuất khẩu; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ trên 5,6 tỷ đồng mở rộng diện tích cây ăn quả.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn na của gia đình, ông Lê Xuân Hòa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn (tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi) kể: Cây na bén duyên với vùng đất Mai Sơn từ những năm 2000, song thời kỳ đó, cây na cho năng suất thấp, mẫu mã không đẹp, thời vụ thu hoạch chỉ kéo dài trong khoảng hơn 1 tháng, giá trị kinh tế không cao... Bây giờ đã khác, từ kiến thức được tiếp thu sau chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng na tại Đông Triều (Quảng Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn), các hộ dân ở đây đã mở rộng diện tích, mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong các khâu, sản phẩm na dai của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, xâm nhập nhiều siêu thị ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa. Từ trồng cây ăn quả, nhiều thành viên của HTX đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, Mai Sơn đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các HTX, liên hiệp HTX làm đầu mối bao tiêu sản phẩm gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản. Việc thành lập HTX sẽ bảo đảm cho nông dân trong các khâu cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, HTX cũng là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Toàn huyện hiện có 100 HTX, liên hiệp HTX, trong đó, có 80 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp có thế phát triển mạnh, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nhiều mô hình hiệu quả, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ, na, chanh leo... năng suất, chất lượng sản phẩm nâng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cả ổn định, thu nhập bình quân trên 1 ha cây ăn quả đạt từ 200-350 triệu đồng/năm, mang lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất.

Phát huy kết quả, Mai Sơn tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực, cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 9.890 ha cây ăn quả các loại, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, khẳng định thương hiệu các sản phẩm cây ăn quả Mai Sơn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới