Phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Du lịch cộng đồng được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh và được khuyến khích phát triển, gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói nghèo cho người dân.

Du khách trải nghiệm ném pao tại Ngọc Chiến (Mường La).

Tỉnh ta có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng khi sở hữu số lượng lớn danh lam, thắng cảnh, di tích, lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc biệt là phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa đa dạng của 12 dân tộc anh em. Để bảo tồn, phát huy giá trị nét văn hóa đó, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội của các dân tộc, như: Lễ hội hoa ban của dân tộc Thái; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ Pang A, lễ cúng bản của dân tộc La Ha, lễ Kin khảu hó của dân tộc Lào. Nhiều bản lưu giữ các nghề truyền thống: Làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông; dệt và thêu thổ cẩm của người Thái...

Để tạo đà cho du lịch cộng đồng phát triển, tỉnh ta đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sau 4 năm triển khai, các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Quỳnh Nhai và Thành phố đã hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng 8 bản du lịch cộng đồng, 28 homestay; tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho 140 học viên tại các bản du lịch cộng đồng... Hiện nay, nhiều bản du lịch cộng đồng đã và đang phát triển, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, như: Du lịch cộng đồng bản Lướt, Nà Tâu, Pom Mỉm, xã Ngọc Chiến (Mường La); du lịch cộng đồng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ); du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu); bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai); bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố)... Tại các điểm du lịch cộng đồng, du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, làm nông nghiệp, nghề truyền thống, chơi các trò chơi dân gian và các hoạt động trải nghiệm khác. Năm 2019, toàn tỉnh đã đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có đóng góp không nhỏ của mô hình du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá của các cơ quan chức năng, các công ty lữ hành, trên địa bàn tỉnh chưa có bản du lịch cộng đồng đạt chuẩn theo tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Lượt khách đến tham quan, trải nghiệm không đồng đều, hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; hệ thống nhà nghỉ homestay đạt tiêu chuẩn còn ít; tính liên kết trong phát triển du lịch chưa cao; sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương đơn điệu; hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa thường xuyên liên tục; đa số người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ môi trường; hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ đã có nhưng mức hỗ trợ thấp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Để phát triển du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, hiệu quả, các huyện, thành phố cần liên kết với các cơ sở đào tạo về du lịch, lữ hành tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng làm du lịch cơ bản, như: Kỹ năng nghiệp vụ lễ tân; thuyết minh viên du lịch; hướng dẫn viên du lịch; vận hành cơ sở lưu trú nhỏ; chế biến ẩm thực dân tộc; phục vụ nhà hàng. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phối hợp với tổ chức, cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh... tạo sinh kế cho người dân và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới