Phát triển đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định trong đổi mới giáo dục

Chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục đào tạo giai đoạn 2016 – 2020 và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã chủ trì Phiên họp toàn thể của Ủy ban và Hội đồng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo,
Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (2016-2020) phát biểu kết luận.

Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục đào tạo giai đoạn 2016 – 2020 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2020. Phiên họp nhằm bàn những giải pháp nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng gắn liền với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Những nội dung chính được các thành viên Ủy ban, Hội đồng bàn thảo tại buổi làm việc xoay quanh nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên; các vấn đề liên quan đến sửa đổi nội dung sách giáo khoa mới; nâng cao hiệu quả việc tự chủ đại học. Phiên họp cũng có nhiều ý kiến đóng góp nhằm đổi mới quy trình công nhận,  nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư hiện nay của đất nước. 

Chuyển từ giáo dục nội dung sang tiếp cận phương pháp, kỹ năng 

Nhắc đến nhiều hạn chế trong phương pháp giáo dục ở các bậc học hiện nay, GS, TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận phương pháp, kỹ năng. Cho rằng, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay chưa có chuyên gia hướng nghiệp mà công việc này thường chỉ là ở gia đình, cha mẹ của học sinh, sinh viên, GS, TSKH Vũ Minh Giang nêu quan điểm việc hướng nghiệp cần phải được thực hiện từ nhỏ đối với học sinh và cần hướng đến việc hình thành tư tưởng tạo ra việc làm cho người khác đối với học sinh, sinh viên khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình trong tương lai. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ lo lắng về thực trạng nghèo nàn về trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục, nhất là hệ thống các phòng thí nghiệm. Cùng với đó là sự bất hợp lý trong quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay, đẫn đến tình trạng khó quản lý chất lượng, nhất là tại các địa phương. Đề nghị cần đẩy mạnh tư tưởng học tập suốt đời, giáo dục cho cả người lớn, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng trách nhiệm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, trước hết là phải từ từng địa phương. 

Tăng cường đào tạo qua mạng 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh ứng dụng đào tạo theo mô hình đào tạo qua mạng, trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ. Cùng với đó là tăng cường sử dụng sách điện tử, vì việc này thuận tiện cho thay đổi nội dung sách, đồng thời tiết kiệm chi phí cho học sinh. Về chất lượng giáo dục, ông Hùng đưa ra quan điểm cần khuyến khích sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục để thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học. 

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT băn khoăn về việc tỷ lệ học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở ngoài công lập không tăng từ nhiều năm nay. Theo TS Lê Trường Tùng, Nhà nước cần có biện pháp kiềm chế việc tăng chỉ tiêu đào tạo ở khối đại học công lập cho phù hợp với chuyên ngành của từng cơ sở giáo dục đại học. 

Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, TS. Lê Trường Tùng đưa ra quan điểm tiếp thu từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển cao đó là sinh viên sau khi tốt nghiệp các đại học chuyên ngành thì mới được theo học ở các trường đại học sư phạm để học về kỹ năng sư phạm trước khi trở thành giáo viên. 

TS. Lê Trường Tùng cũng đưa ra đề xuất hạ tiêu chuẩn đầu vào đối với giáo dục dạy nghề ở bậc cao đẳng theo hướng học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể theo học các trường cao đẳng nghề, sau đó vẫn có thể học tiếp bậc đại học nếu học sinh có nguyện vọng. 

Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục và đào tạo 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc của các thành viên Ủy ban và Hội đồng. Nhấn mạnh đến chủ trương xây dựng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế xã hội là phục vụ người dân ngày một tốt hơn, trong đó có giáo dục và đào tạo. 

Ghi nhận những thành quả trong công tác giáo dục và đào tạo những năm qua, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng đề cao thành tích quan trọng là các giải thưởng quốc tế uy tín trên mọi lĩnh vực mà học sinh, sinh viên, người Việt Nam đã đạt được. Cùng với đó, không khí đổi mới, tinh thần sáng tạo trong giáo dục và đào tạo cũng đang vươn lên mạnh mẽ. 

Tán thành với quan điểm của các đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo, Thủ tướng lưu ý đến việc xóa mù trong sử dụng công nghệ, đó cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, công dân toàn cầu. Thủ tướng cũng tán thành quan điểm giáo dục suốt đời, kể cả người lớn để chống sự trì trệ, tư tưởng kém sáng tạo, kém năng động trong công việc. 

Nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định trong đổi mới giáo dục, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm; trong đó, chú ý chất lượng đào tạo giáo viên, kể cả đầu vào, chính sách chế độ cho giáo viên và tăng cường truyền thong tôn vinh người thầy theo văn hóa “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. Cùng với đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng bồi dưỡng đào tạo giáo viên định kỳ, tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp thu cái mới, nâng cao chất lượng giáo viên.  

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học, coi đây là một mục tiêu của các trường và điều này càng quan trọng trong bối cảnh năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp. 

Về việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức chặt chẽ hơn; không hạ chất lượng các tiêu chí; đồng thời nâng cao chất lượng cả ứng cử viên, lẫn thành viên hội đồng thẩm định và phải đảm bảo tính minh bạch, công khai với xu hướng cải tiến lộ trình nhanh hơn, tốt hơn phù hợp với xu thế quốc tế. 

Liên quan đến tự chủ đại học, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng nhấn mạnh đây là hướng đi quan trọng bởi sau khi các trường tự chủ, Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ còn quản lý nhà nước về quy hoạch, khảo thí và những vấn đề khác về chất lượng, thanh tra giáo dục. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất để có cách hiểu và chỉ đạo thống nhất vấn đề này với tinh thần hướng tới tiếp cận mới; áp dụng tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam. Trước hết là chọn một số trường đại học tự chủ với số lượng cần thiết thay vì 3,4 trường như hiện nay, để từ đó rút ra kết luận và nhân rộng mô hình. 

Thủ tướng cũng tán thành với các đại biểu về việc tự chủ về học thuật, về tổ chức, về tài chính…và nhấn mạnh: “tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa”. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi. 

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề số hóa và một số cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, áp dụng công nghệ; đồng thời mong muốn các thành viên Hội đồng cần cố gắng nỗ lực làm việc không ngừng, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển giáo dục nước nhà trong thời gian tới./. 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới