Phát huy vai trò tình nguyện viên Chữ thập đỏ

5 năm qua, lực lượng tình nguyện viên (TNV) Chữ thập đỏ phát triển cả số lượng và chất lượng, hình ảnh và vai trò của lực lượng TNV Chữ thập đỏ ngày càng được khẳng định bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo trong các hoạt động, phong trào của Hội.

 

Tình nguyện viên chữ thập đỏ Trường Đại học Tây Bắc tham gia hiến máu tình nguyện.

Đồng chí Cầm Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Luôn coi TNV là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Hội, do đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phân công một đồng chí Thường trực trực tiếp phụ trách công tác TNV. Hàng năm, xây dựng văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ TNV trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của Hội. Quan tâm đào tạo, tập huấn cho các TNV. Nhất là thông qua dự án “Y tế Việt Nam” và dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và thành lập được các đội TNV cấp xã. Đến nay, đội ngũ TNV ngày một lớn mạnh với 3.659 người tham gia, phủ rộng ở các huyện, thành phố.

Để lực lượng này phát huy vai trò, Hội đã thường xuyên cung cấp thông tin về các lĩnh vực hoạt động của Hội cho TNV Chữ thập đỏ được nắm bắt kịp thời. Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phòng ngừa ứng phó thảm họa cho các TNV thông qua 2 dự án được Trung ương Hội triển khai thực hiện tại tỉnh. Phát huy câu lạc bộ, đội thầy thuốc và các đội TNV ở các cấp hội vừa làm công tác từ thiện vừa tham gia tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ở cơ sở; tuyên truyền, tư vấn sức khỏe, nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, phòng ngừa ứng phó thảm họa và các hoạt động tặng quà cho người cao tuổi, người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều mô hình hoạt động với cách làm hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thu hút sự tham gia nhiệt tình của TNV từ tỉnh đến cơ sở; tạo ấn tượng tốt đẹp trong đời sống cộng đồng, từng bước nâng cao hình ảnh, vị thế của tổ chức Hội. Điển hình như việc thành lập “Đội thầy thuốc tình nguyện” tỉnh Sơn La với 29 thành viên trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hằng năm, đội ngũ này đã tham gia khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, cho người nghèo, người cao tuổi, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai, thảm họa...; thành lập Câu lạc bộ “Hành trình đỏ” với 41 thành viên, trực tiếp tham gia hiến máu khi xảy ra trường hợp cấp cứu cần truyền máu. Câu lạc bộ là đơn vị tuyên truyền, vận động tích cực, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện và tham gia các hoạt động tình nguyện khác. Khối đơn vị trực thuộc Hội cũng có 3 đội TNV thuộc Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La với hơn 490 thành viên tham gia hiến máu cho các ca cấp cứu khi cần thiết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và tham gia cứu trợ xã hội. Riêng Hội Chữ thập đỏ cấp huyện, thành phố đang có 6 đội TNV ở cấp xã, phường thuộc các xã đang triển khai thực hiện dự án “Y tế Việt Nam” và dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam”, gồm: Xã Chiềng La, Chiềng Ngàm và Bản Lầm (Thuận Châu); Chiềng Lao và Chiềng San, (Mường La); Phường Chiềng Lề (Thành phố).

Cô giáo Cầm Thị Phước, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Tây Bắc cho biết: Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Tây Bắc hiện có 126 chi hội với hơn 4.200 hội viên, trong đó có gần 200 tình nguyện viên. Từ năm 2013 đến nay, đội ngũ hội viên, tình nguyện viên của nhà trường luôn hưởng ứng, nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, nhất là các đợt vận động hiến máu tình nguyện. Qua các đợt vận động hiến máu tình nguyện, đã có hơn 1.000 lượt hội viên, tình nguyện viên tham gia, cung cấp khoảng 500 đơn vị máu. Qua hoạt động này đã giúp những tình nguyện viên là học sinh, sinh viên đang học tập hiểu rõ ý nghĩa hành động của mình, sự quý giá của mỗi giọt máu đối với những bệnh nhân đang cần máu để điều trị bệnh.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác TNV Chữ thập đỏ cũng gặp những khó khăn thách thức, như: Địa bàn đi lại khó khăn, nhiều khu vực phải đi bộ hàng chục cây số, dân cư phân bố rộng, sống không tập trung. Các tình nguyện viên nằm trong độ tuổi lao động chính của gia đình, nên thường xuyên phải đi làm ăn xa nhà; dẫn đến mạng lưới TNV mỏng, đối với TNV khối trường học phải thường xuyên kiện toàn hàng năm (vì các TNV chủ yếu là sinh viên), hoạt động của TNV chưa rộng khắp.

Để nâng cao hiệu quả công tác tình nguyện viên trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; tuyên dương tình nguyện viên là người tốt, việc tốt trong hoạt động từ thiện; cổ vũ, khuyến khích, động viên, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện viên Chữ thập đỏ... nhằm từng bước nâng cao vị thế, vai trò của Hội, góp phần đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới