Phát huy vai trò báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh

LTS: Hòa cùng dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Sơn La ngày càng phát triển, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                      

           

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Sơn La.

           

P.V: Đồng chí đánh giá vai trò và những đóng góp của báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La?

           

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo:

           

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Có được những thành tựu trên là sự nỗ lực, quyết tâm cao, tính năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực quảng bá hình ảnh Sơn La với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; thông tin các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ nông sản của tỉnh, các dự án kêu gọi đầu tư; phản ánh sinh động về ý chí, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; những vấn đề dư luận xã họi quan tâm; cổ vũ, động viên những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội, bảo vệ kỷ cương pháp luật... góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội, thể hiện rõ vai trò là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc.

           

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về tính hấp dẫn, hiệu quả cũng như hạn chế trong công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm, loại hình báo chí của tỉnh Sơn La?

           

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo:

           

Các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Sơn La đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên các ấn phẩm, loại hình báo chí: Các chương trình phát thanh - truyền hình, báo điện tử ngày càng tăng thời lượng, mở rộng phủ sóng, mở rộng đối tượng thông qua internet và phát sóng qua vệ tinh Vinasat-1, không những xóa “vùng lõm” thông tin tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh mà còn “vươn” ra toàn quốc và thế giới. Chất lượng hình ảnh, âm thanh từng bước được nâng lên; báo điện tử ngày càng phát triển theo hướng đa phương tiện, đa đối tượng phục vụ, giao diện tiện ích...; thông tin tương đối nhanh và phản ánh kịp thời các sự kiện trên địa bàn, nhất là tường thuật trực tiếp những sự kiện lớn của địa phương; nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng và phong phú, sinh động, thu hút sự quan tâm của công chúng. Duy trì và mở mới nhiều chuyên mục chuyên sâu, như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia... Chất lượng thông tin, tuyên truyền được nâng lên, là kênh thông tin tin cậy, có tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân dân.

           

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa về chất lượng thông tin, hình ảnh; đồng thời cần nhanh nhạy, chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, phản biện xã hội và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, các thông tin xấu độc; làm tốt hơn nữa công tác định hướng dư luận nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

           

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

chủ trì Hội nghị giao ban công tác báo chí.

Ảnh: PV

           

P.V: Tỉnh ủy đã ban hành Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí cho biết mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác tuyên truyền trên lĩnh vực báo chí?

           

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo:

           

Trước yêu cầu thực tiễn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề án đã đánh giá thực trạng công tác tuyên truyền giai đoạn 2015-2020 và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các hình thức: Tuyên truyền qua việc tổ chức học  tập, quán triệt nghị quyết; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin, truyền thông; tuyên truyền qua cổ động trực quan; tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ; tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên... Trong đó mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin, truyền thông được đưa ra như sau:

           

(1) Về mục tiêu:

           

 Nâng cao chất lượng hoạt động của Báo Sơn La theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Nâng cấp Báo điện tử Sơn La; đầu tư trang thiết bị, mua sắm, vận hành các phần mềm phục vụ tòa soạn hội tụ nhằm nâng cao năng lực Báo Sơn La phù hợp với sự phát triển của công nghệ tiên tiến. Xây dựng thêm phiên bản tiếng Anh, tiếng dân tộc Thái và hỗ trợ người khiếm thính, khiếm thị trên Báo điện tử Sơn La. Tăng cường năng lực sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình theo công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của báo phát thanh - truyền hình cả nước; xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện cho hoạt động phát thanh - truyền hình theo xu hướng phát thanh, truyền hình trực tiếp và phát thanh, truyền hình tương tác trực tiếp với khán, thính giả. Nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức Tạp chí Suối reo Sơn La. Nâng cao chất lượng Bản tin Văn nghệ Sơn La vùng cao theo hướng tăng tin ảnh, trình bày, in ấn hấp dẫn, lôi cuốn độc giả người đồng bào dân tộc; đồng thời tăng số lượng phát hành Bản tin Văn nghệ Sơn La vùng cao lên 2.500 cuốn/ số. Xây dựng Trang thông tin điện tử Văn học Nghệ thuật Sơn La thành Tạp chí Văn nghệ điện tử Sơn La. 100% số chi bộ, đảng bộ đặt mua và đọc Báo Sơn La, Báo Nhân dân. 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện (Trung tâm truyền thông văn hóa huyện) được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh. 100% số bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được lắp đặt và sử dụng hiệu quả hệ thống loa truyền thanh không dây sử dụng công nghệ số (trên hạ tầng các dịch vụ viễn thông, hệ thống sever sử dụng các ứng dụng di động).

           

(2) Về nhiệm vụ và giải pháp:

           

Tăng cường tuyên truyền, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng thông tin tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí. Nâng cao chất lượng các hội nghị giao ban báo chí; tổ chức họp báo trước các sự kiện thời sự, vấn đề nổi cộm khiến dư luận xã hội quan tâm; nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí, các tài liệu tuyên truyền đảm bảo kịp thời, hiệu quả… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Phát triển hệ thống loa truyền thanh không dây sử dụng công nghệ số.

           

PV: Trong thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội, các cơ quan báo chí địa phương và đội ngũ phóng viên, nhà báo của tỉnh cần có những thay đổi như thế nào để bắt kịp xu thế, phát huy vai trò của báo chí cách mạng, định hướng dư luận, thưa đồng chí?

           

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo:

           

Những tác động của quá trình hội nhập, sự bùng nổ về thông tin và mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhận thức và ý thức sử dụng internet, mạng xã hội của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục âm mưu, đẩy mạnh các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta bằng nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc.

           

Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43- CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, nêu rõ: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại”. Công chúng đang có xu hướng dịch chuyển từ đọc, nghe, xem theo phương thức truyền thống như qua tivi, báo giấy... sang những lựa chọn khác như qua điện thoại di động, tivi thông minh, máy tính bảng... Do vậy, báo chí tỉnh nhà cần bắt kịp xu hướng chung hoạt động của các cơ quan báo chí là chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Mạng xã hội đã và đang thu hút ngày càng nhiều công chúng. Vậy nên, các cơ quan báo chí, người làm báo của tỉnh cần khai thác mạng xã hội làm trợ thủ để nắm bắt dư luận. Đồng thời, chủ động thông tin kịp thời, chính xác đến công chúng trên mạng xã hội thông qua các fanpage, kênh Youtube... góp phần định hướng dư luận; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, khẳng định vai trò của báo chí cách mạng trên mặt trận chính trị tư tưởng.

           

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

           

Phóng viên Phạm Đức thực hiện

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới