Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo tập trung xây dựng huyện Sông Mã phát triển toàn diện

Nằm ở phía Tây của tỉnh Sơn La, huyện Sông Mã có địa thế hiểm trở, vị trí xung yếu về an ninh, quốc phòng, là vùng đất giàu tiềm năng, với 163.992 ha đất tự nhiên, có 19 đơn vị hành chính gồm các xã: Mường Sai, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Sơ, Nậm Mằn, Chiềng En, Mường Lầm, Bó Sinh, Chiềng Phung, Chiềng Khương, Mường Hung, Nà Nghịu, Huổi Một, Yên Hưng, Đứa Mòn, Pú Bẩu, Mường Cai, Nậm Ty và thị trấn Sông Mã.

Một góc thị trấn Sông Mã những ngày tháng Tư.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc trong huyện đã chung sức, đồng lòng góp phần tô đậm những trang sử hào hùng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Sông Mã đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần cù lao động, sáng tạo, không ngừng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh giỏi; thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài tỉnh, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về khai khoáng, thủy điện, điện năng, phát triển diện tích cây ăn quả trên đồi đất dốc… xây dựng Sông Mã ngày càng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2016 kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng 9,1%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại… ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện chiếm 4,3%; công nghiệp - xây dựng 9,2 %; dịch vụ, thương mại 16,1%. Tổng đàn gia súc đạt trên 180 nghìn con và hơn 1 triệu con gia cầm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hơn 8.100 tấn. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 710 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn 64,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn hơn 1.200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, tập trung đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế, tăng cường các giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Sản lượng lương thực có hạt đạt 116 nghìn tấn, an ninh lương thực được đảm bảo. Diện tích cây ăn quả được duy trì và phát triển mạnh, đạt trên 5.000 ha. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 415 ha, sản lượng thủy sản đạt 810 tấn, tăng 1% so với năm 2015. Công tác bảo vệ, khôi phục, phát triển vốn rừng được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm đã trồng mới được 675 ha; thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 36,6%.

 Trang trại bưởi Diễn

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có sự phát triển cả về quy mô và số lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường. Nhà máy gạch tuynel Chiềng Khoong, sản xuất 20,6 triệu viên/năm; sản lượng điện phát ra 79,12 triệu kW/h. Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Năm 2016, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 87 công trình phục vụ dân sinh. Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, giao lưu, trao đổi hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

Công tác giáo dục - đào tạo luôn đổi mới, phát triển và nâng cao; quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển đều ở các bậc học. Duy trì và giữ vững 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 19/19 xã, thị trấn. Tỷ lệ học sinh lên lớp, đỗ tốt nghiệp, học sinh khá, giỏi và thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm không ngừng tăng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 97%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã được củng cố và nâng cao chất lượng từ tuyến huyện đến xã, bản. Cơ sở vật chất các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, xây dựng, có 7/19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí giai đoạn 2011 – 2020; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,3%. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt 48,5%; 34,5% đạt bản, tổ dân phố văn hóa và 95% cơ quan, đơn vị văn hoá; 35% dân số luyện tập thể dục thể thao, 1,6% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, 100% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 97%, số hộ được nghe đài Tiếng nói Việt Nam đạt 99%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 24%.

Nông dân Sông Mã đẩy mạnh mô hình trồng rau an toàn.

Công tác đấu tranh phòng chống ma tuý thu được kết quả quan trọng, toàn huyện đã xây dựng được 5 xã cơ bản đạt và đạt; 425 bản, tổ dân phố đạt; 165 cơ quan đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma tuý. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân được củng cố. Khu vực phòng thủ huyện được xây dựng ngày càng vững chắc; chủ động phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hoà bình - bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, toàn diện với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào).

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo toàn diện trên cả ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ huyện đã bồi dưỡng kết nạp được 320 đảng viên mới, đạt 161% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên hơn 4.000 đảng viên. Toàn huyện có 60 chi, đảng bộ cơ sở, 574 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; triển khai, cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh uỷ, của Huyện uỷ vào điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng Chương trình hành động; đồng thời rà soát và điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ công tác, đưa ra các giải pháp phù hợp, tập trung thực hiện hiệu quả; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Năm 2016, đã mở 38 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 3.312 học viên. Trong đó, 13 lớp tập huấn nghiệp vụ cho bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng dân phố. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được quan tâm chỉ đạo, chất lượng cán bộ được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Năng lực lãnh đạo, điều hành và nề nếp sinh hoạt của tổ chức Đảng, chính quyền mặt trận tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở có nhiều tiến bộ. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chiềng Cang vào vụ mới

Năm 2017, tiếp tục khai thác các tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế; huy động và sử dụng các nguồn đầu tư có trọng điểm để hoàn thành kết cấu hạ tầng KT-XH, gắn với tập trung xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ở các khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng hoạt động của các  tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế, nhất là các đối tượng ưu tiên trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội… Phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất từ 9% trở lên; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 87,8 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.162 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo giảm 1.800 ha đất trồng ngô, cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu, trồng cỏ chăn nuôi và trồng rừng; thực hiện ghép, cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn cây ăn quả; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung; hoàn thành “nhãn hiệu chứng nhận” cho sản phẩm nhãn Sông Mã; triển khai xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2017, 1 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 7 xã đạt từ 8-10 tiêu chí, 9 xã đạt 5-7 tiêu chí.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong bước đi tiếp theo, Đảng bộ Sông Mã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2020, Sông Mã phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khá và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) trên 6.000 tỷ đồng, kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, để đưa Sông Mã trở thành huyện phát triển mạnh trong tỉnh.

 Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới