PCCC và CNCH - Trách nhiệm không của riêng ai

Hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC và Ngày truyền thống lực lượng PCCC 4/10, thêm một lần khẳng định tầm quan trọng, cũng như ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

 

Lúc lắc mái đầu bạc, ông trung niên băn khoăn:

- Với một địa phương đang nỗ lực phát triển về mọi mặt như tỉnh ta, công tác PCCC và CNCH càng trở nên bức thiết. Cũng do phát triển nhanh, nhiều nơi còn chưa bảo đảm quy hoạch khoa học, hiện đại nên nguy cơ cháy nổ càng phức tạp; trong khi ý thức cũng như nhận thức của cộng đồng về PCCC và CNCH chưa thật tốt;  nhu cầu sử dụng điện, gas, xăng dầu... phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh... lại tăng cao, rồi nhu cầu cúng lễ, đốt vàng mã của bà con... cũng tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ khó lường. Ấy là chưa nói tới tâm lý chủ quan, ý thức trách nhiệm của các tập thể, tổ chức, cá nhân trong công tác này còn không ít hạn chế.

Hai tay chống cằm, bác da ngăm ngăm chép miệng:

- Thế nên mới cần tuân thủ triệt để tư tưởng chỉ đạo “phòng cháy hơn chữa cháy”. PCCC phải là trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội; các phương án, biện pháp phòng ngừa cháy nổ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ. Thêm vào đó, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, CNCH; in ấn, phát hành sổ tay, đĩa CD, tờ rơi hướng dẫn về công tác này; tiếp nhận nhanh thông tin, phản hồi về cháy nổ, có phương án phòng ngừa và ngăn chặn kịp; hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tự giác thực hiện các quy định về PCCC tại nơi làm việc, học tập, cư trú.

Đặt chén nước xuống bàn, anh chàng nhỏ thó liên thanh:

- Tiền nhân dạy “Nước xa chẳng cứu được lửa gần”, theo em cứ phải là trả lời cho được các câu hỏi: Có lối thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ không? Hệ thống điện tại các cơ sở có được lắp đặt đúng kỹ thuật không? Aptomat, cầu dao có đạt tiêu chuẩn không? Số lượng bình chữa cháy xách tay được trang bị như thế nào? Đội PCCC cơ sở có được huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên theo quy định không? Trang bị hệ thống chống sét và đo điện trở tiếp địa theo quy định ra sao? Cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có thực hiện nghiêm túc? Các trường mầm non, bán trú sử dụng bếp gas phục vụ đun nấu thì việc bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra có thường xuyên? Số lượng gas tồn chứa có đảm bảo an toàn?... 

Lộ rõ vẻ sốt ruột, ông trung niên ngắt lời đàn em:

- Chú nói không sai! Song ngoài những vấn đề trên, cần coi trọng công tác tư vấn, cảnh báo, hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH; thường xuyên tổ chức hội thao, hội thi, tìm hiểu về công tác này; kiện toàn, củng cố, bổ sung lực lượng dân phòng, tổ đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, nhất là tại các kho bãi tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng, kho tàng, hộ kinh doanh... yêu cầu ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Xã hội hóa công tác đầu tư phương tiện, thiết bị, như: Xe chữa cháy, máy báo cháy, máy bơm nước, hệ thống chiếu sáng, chống sét, đèn chỉ dẫn thoát nạn...; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong PCCC và CNCH. Bên cạnh biểu dương những tập thể, cá nhân chấp hành tốt, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Thêm nữa, phải coi đây là việc làm thường xuyên chứ không chỉ trong tháng cao điểm, tháng hành động hoặc ngày kỷ niệm... phải không các chú?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới